Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Trăn trở Pờ Yầu




Chỉ cách trung tâm xã 15 km, cách đường tỉnh (ĐT) 666 chưa đầy 10 km, nhưng để vào được làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang với thời tiết thuận lợi phải mất khoảng hai giờ đi xe máy. Còn trời mưa vào được làng thì thực sự là một thử thách.
Vượt rừng núi vào làng
Con đường đất dẫn vào làng bắt đầu từ bìa rừng còn ướt đẫm trận mưa đêm hôm trước, xe chạy khoảng vài trăm mét qua Trạm quản lý bảo vệ rừng làng Len, chúng tôi đã phải đối mặt với con dốc đầu tiên. Hai chiếc xe 110 phân khối đều cài về số một, vậy mà người ngồi sau vẫn phải tụt xống để xe ì ạch bò lên dốc. Chúng tôi thay nhau người lái xe rồi người đi bộ từ từ vượt qua ngọn núi thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường cách bìa rừng khoảng 4 km, chiếc điện thoại báo tín hiệu “không có dịch vụ”, thầy giáo Hiệp dẫn đường giải thích: “Bắt đầu từ nơi này vào đến trong làng điện thoại vẫn chưa có”. Hết lên dốc, đoạn xuống dốc cũng nguy hiểm không kém, hai chiếc xe máy liên tục trở về số hai rồi số một, kết hợp với thắng chân. Chúng tôi suýt bị lộn nhào bởi những khúc cua “tay áo”, dốc đứng, những đoạn gỗ rừng chắn ngang đường bị đổ rạp bởi vết cưa máy vẫn còn nguyên như mới. Thỉnh thoảng bắt gặp một vài chiếc xe ô tô trọng tải khoảng 3 tấn, bánh xe quấn xích, phủ kín bạt trên thùng xe, chầm chậm tiến về phía cửa rừng. Nhọc nhằn qua gần ba giờ, qua hai ngọn núi chúng tôi cũng vào đến Pờ Yầu, rất may chỉ có một thành viên xây xát nhẹ.
Đã quá trưa, trong làng chỉ còn những người già và trẻ con đang nô đùa. Rất may chúng tôi gặp được anh Đinh Mra vừa về nhà lấy cơm mang ra chỗ làm. Mra nhanh nhảu: “Mấy ngày mưa vừa qua làm hỏng cầu dân làng đang chuyển gỗ làm lại cầu, các anh có đi thì theo mình”. Hướng đường sang nơi làm cầu của dân làng cũng không kém phần nguy hiểm, đường quanh co, dốc cao, hiểm trở. Qua một chiếc cầu gỗ tạm chúng tôi cũng đến nơi dân làng tập trung làm cầu. Gọi là cầu nhưng thực tế là một cây gỗ rất to rỗng ruột, được chắn ngang qua suối, sau đó đắp đất lên trên. Ai cũng nóng lòng để làm cho xong, vì để đến khu trồng lúa nương, bời lời của đa số người dân đều phải qua “chiếc cầu” này.
Dân làng tập trung đẩy khúc gỗ để làm cầu
Mong lắm một con đường
Làng Pờ Yầu có 95 hộ đều là người BaNa, với 447 nhân khẩu, 100% thuộc diện hộ nghèo. Tháng 6 đến tháng 8 là thời kỳ mùa giáp hạt, thời điểm khó khăn nhất trong năm của dân làng. Người dân Pờ Yầu cũng không quan tâm đến thời gian trong tuần vì thứ 7, chủ nhật họ đều phải đi làm, chỉ khi có việc làng mới ở nhà. Nguồn thu nhập chính của dân làng là lúa nương và bời lời. Thông thường để làm nhà xây hay mua xe máy, người dân đều lấy vài đám bời lời để đổi trực tiếp với thương lái. Chính sự nghèo đói chỉ lo đến miếng ăn mà đến thời điểm này cả làng mới có anh Đinh Tèo học hết lớp 12, đang đảm nhiệm thư ký thôn kiêm y tế thôn. Cô Oanh, hiệu phó trường Tiểu học Lơ Pang có điểm trường ở Pờ Yầu chia sẻ “Từ mẫu giáo đến học sinh tiểu học ở đây đều rất ngoan, ham học, các buổi học đều có mặt đông đủ. Nhưng đến trung học cơ sở các em nghỉ dần để giúp gia đình làm nương rẫy”.
Trao đổi với chúng tôi Phó thôn H 'Yi không dấu nổi niềm mong mỏi: “Thực tế một phần vì các gia đình còn phải lo cái ăn, phần vì đường đi lại quá khó khăn, trong làng chỉ có trường tiểu học và mầm non, nên khi học cao hơn rất nhiều em nghỉ học. Nguyện vọng duy nhất của làng bây giờ là mong sao có con đường thuận lợi để đi lại, các cháu đi học, cứ như bây giờ dân làng mình khổ lắm”. Hiện làng có 80 trẻ em đang ở độ tuổi đi học, trong đó có 55 trẻ em ở độ tuổi học tiểu học.  Giải thích cho việc các cấp chính quyền địa phương đã có chính sách di dân đưa tòan bộ dân làng đến nơi khác thuận lợi về giao thông, buôn bán hơn. Thôn phó H'Yi cho hay, dân làng đã đi một thời gian nhưng ở địa bàn mới không có đất sản xuất, người dân làng sống không quen, không theo phong tục tập quán của làng nên quay về nơi cũ.
Thiết nghĩ, nguyện vọng của người dân Pơ Yâu là rất chính đáng, có lẽ trước mắt chỉ cần một con đường cấp phối để ít nhất xe máy có thể đi lại vào mùa mưa cũng là điều đáng làm.

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

NGÀY MƯA

Mình lại vào blog đễ trút bỏ đi những ưu tư muộn phiền. Thật không dễ dàng để có thể quên đi một thứ đã hiện hữu từ lâu, những ký ức xưa đã nhạt màu, giờ chỉ còn lại trong quên lãng
Hà Nội mưa.
Lao xe máy đi trong mưa mà cảm thấy như trút bỏ được gánh nặng của tâm hồn. Một mớ hỗn đột giữa Hà Nội vội vã, ồn ào, náo nhiệt

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Truyện vui: Nàng đỏng đảnh, chàng ga lăng


Hà xinh nhất khoa Ngữ văn, ai cũng biết điều này. Thế mà đến năm cuối đại học cô vẫn chưa có người yêu. Hà quyết tâm chưa yêu ai cho đến khi ra trường. Lý do này của Hà cũng chưa hẳn thuyết phục, đám bạn ở ký túc xá đều quả quyết rằng Hà rất khó chiều, anh chàng nào theo tán tỉnh Hà một thời gian đều không thể chịu nổi kiểu “đỏng đảnh” và hay giận hờn vu vơ. Cô thường tâm sự: “Chàng của tớ sau này phải là người rất ga lăng tớ mới yêu”
Sơn gặp Hà ở một buổi dạ hội. Sơn yêu Hà bao nhiêu thì cô lại ghét anh bấy nhiêu. Cuối tuần rảnh rỗi công việc anh đều đến thăm cô. Vui nhất là các cô cùng phòng vừa được ăn kẹo bánh, vừa được nghe anh chàng “ngô ngố”, chân thành đàn hát, nói chuyện rôm rả.
 Có lần Sơn vừa đến, Hà đã thẳng thừng:
- Tôi không thích gặp anh.
- Anh đến chỉ muốn được nhìn thấy em.
- Anh quê mùa lắm !
Như bị dội gáo nước lạnh, cay cú, Sơn bỏ về.
Một thời gian sau, Sơn trở lại. Anh đầu tư quần áo, giày dép bóng bẩy, đổi mới phong cách để dễ bề gặp nàng. Tránh mặt mãi Hà cũng đành gặp anh vì sức ép của đám bạn. Gặp rồi nhưng cô lại bày trò, mục đích để anh bẽ mặt mà bỏ cuộc. Buổi ăn trưa tuần nào đi cùng anh, Hà đều gọi một đám bạn lâu la đến để ăn uống, rồi đi hát hò... Không những Sơn không bỏ cuộc mà anh còn đi lại nhiều hơn. Những khoản tiền chi trả cho các cuộc vui, anh đều thanh toán đầy đủ với tâm trạng vô tư và thoải mái. Nhờ những cuộc gặp gỡ mà phần nào Hà phát hiện ra bao nhiêu đức tính tốt đẹp ở anh chàng này.
Mưa dầm thấm lâu, Hà bắt đầu có cảm tình, rồi nhận lời yêu Sơn. Bao nhiêu câu chuyện tốt đẹp các bạn trong phòng Hà bàn luận, đều có Sơn trong đó. Nhiều lúc Hà vẫn lặp lại “bài cũ”, giận hờn vu vơ để được chiều chuộng. Sơn luôn là người chủ động để Hà thấy ấm lòng. Những bông hoa thơm ngát, những chiếc váy xinh xắn kèm theo lời yêu thương, mọi sự giận hờn của đều Hà tan biến. Điều đó, càng làm cô cảm thấy tự hào về anh chàng người yêu ga lăng, phóng khoáng mà tài hoa.
Hà ra trường, có việc làm. Họ cưới nhau trong niềm vui rạng ngời của gia đình và bạn bè. Một câu chuyện tình yêu có cái kết thật đẹp.
***
          Ngày đầu tiên về làm vợ, Hà được Sơn tặng cho một món quà. Đã nhiều lần nhận quà nhưng cô vẫn cảm thấy ấm áp bởi sự quan tâm đó. Cô nhẹ nhàng mở quà được gói gém rất cẩn thận. Một quyển vở sạch sẽ, trang đầu ghi “Gửi tặng người vợ yêu quý”.
Ôm cô vào lòng Sơn nói:
          - Anh nghèo lắm, em có chịu khổ được không ?
          - Em chịu hết, miễn là anh yêu em.
          Sơn chậm rãi:
          - Quyển vở anh đã ghi đầy đủ, chi tiết những lần đi chơi cùng anh, em mời các bạn đi ăn uống, hát hò, những món quà anh tặng em mỗi khi em hờn dỗi. Bây giờ anh đang nợ người ta nhiều lắm, vợ chồng mình cùng nhau trả nợ em nhé !
          Lật từng trang vở, Hà nấc lên những tiếng nghẹn ngào ...

Truyện vui: Tôi cũng thích con gái ...!




Ở phố nọ, có anh chàng Núi đẹp trai, học giỏi và nghề nghiệp ổn định. Núi còn là một người sống tiết kiệm, giản dị, một phẩm chất tiêu biểu trong thời kỳ kinh tế đang khó khăn.
Hàng tháng, nhận lương về Núi đều mang tiền gửi tài khoản, nếu cảm thấy đủ là Núi đem mua vàng, mẹ hỏi thì Núi bảo dành tiền lấy vợ. Mẹ Núi hài lòng lắm. Câu chuyện Núi tiết kiệm lương mua vàng để lấy vợ râm ran khắp thành phố. Nhiều cô gái thần tượng Núi, coi Núi là một người đàn ông lý tưởng của đời mình, nếu được sở hữu chắc chắn họ sẽ có một cuộc sống đầy đủ và sung túc.
Núi đã đến tuổi lấy vợ nhưng mãi vẫn chưa thấy dẫn bạn gái về nhà. Mẹ hỏi lúc nào Núi cũng trả lời: “Con gái theo con có mà đầy, con chưa thích thôi”
10 năm đi bộ đội về, Thủy thấy thằng bạn mình vẫn phòng không. Bạn thân của mình lại đẹp trai mà chưa có mối tình vắt vai, Thủy mới sinh nghi. Chỉ huy một đơn vị Thủy đã từng thấy hiện tượng chiến sĩ của mình có biểu hiện “ái nam, ái nữ”, điều này nói ra sớm thì có thể khắc phục tâm lý dần dần, để lâu thì thật là nguy...
Một hôm, Thủy mời Núi đi uống cà phê. Đến quán đã có hai cô bạn của Thủy ngồi đợi từ bao giờ. Hai cô bạn xinh đẹp, ăn nói có duyên làm cuộc nói chuyện rôm rả. Thủy giả bộ nghe điện thoại thì vẫn thấy Núi say sưa nói chuyện với hai bạn...
Trên đường về, Thủy thắc mắc:
- Ông “chém gió” cũng tốt đấy, thế mà sao chưa có bạn gái ?
          Trầm ngâm hồi lâu, Núi thở dài:
- Thú thực với ông, tôi cũng thích con gái lắm chứ, nhưng tán gái tốn kém quá, mỗi lần đi uống cà phê lại mất cả mớ tiền.

Mong manh nghề gốm Hương Canh


Thương hiệu gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nổi tiếng cả nước từ nhiều năm, sản phẩm này đã xuất khẩu một số nước trên thế giới, được tặng bằng khen “Hình ảnh Apec và di sản văn hóa Việt Nam” năm 2006. Vậy mà giờ đây toàn thị trấn Hương Canh chỉ còn một nơi duy nhất là thôn Lò Cang làm gốm. Người làm gốm đếm trên đầu ngón tay, 204 hộ dân với 825 nhân khẩu còn 4 hộ gia đình theo nghề.
“Không biết làm gì mới cho làm gốm”
Bà Bùi Thị Nụ một thợ gốm lâu năm ở Hương Canh, chua chát nói với chúng tôi về anh con trai hơn 40 tuổi của mình như vậy. Bà cho hay, trước kia con trai bà làm công nhân kỹ thuật ở các khu công nghiệp, nay sức khỏe giảm sút, về nhà bà truyền lại nghề gốm.
Bà cũng biết làm gốm từ hồi còn trẻ nhưng từ hồi địa phương kêu gọi, vận động hỗ trợ mới trở lại làm nghề được hơn 5 năm, thu nhập không cao song cũng đủ chi tiêu. Sản phẩm nhà bà Nụ sản xuất chủ yếu vẫn là tiểu sành, chum vại, bình đựng rượu, ngoài ra các vật dụng khác không nhiều vì khó cạnh tranh trên thị trường.
Chúng tôi được tiếp xúc khá nhiều người đã từng làm gốm nhưng nay chuyển sang bán nước, làm công nhân khu công nghiệp... Được nghe những câu chuyện “bi hài” về một nơi sản xuất gốm nổi tiếng đang có nguy cơ chìm vào lịch sử. Theo suy nghĩ của nhiều người dân, cái tên làng gốm Hương Canh bây giờ không còn nguyên vẹn của một làng nghề nữa, có chăng chỉ là thương hiệu đã được lưu truyền từ hơn 300 năm nay.
Một nghệ nhân tâm huyết giữ nghề
Được mọi người giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thanh, người có tuổi nghề lâu nhất trong thôn. Gặp ông với dáng vẻ mệt mỏi, tay run rẩy, cử động chậm chạp, người gầy gò hơn những tấm hình mà ông đã từng tham gia ở các hội thi làng nghề một, hai năm về trước.
Bà Giang Thị Nhạn, vợ ông Thanh buồn bã: “Ông bị tai biến cách đây hai tháng, không biết sức khỏe sẽ tiến triển như thế nào, chỉ mong ông khỏe lại, chứ để tiếp tục làm nghề thì chẳng nghĩ đến nữa”.
Giọng mệt mỏi, ông Thanh vẫn cố gắng nói hết niềm đam mê được làm gốm từ nhỏ, suy tư, trăn trở với thực tế hiện nay. Ông còn nói cô con gái tìm bằng được những hình ảnh ông tham gia và được tôn vinh tại Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương năm 2010 cho chúng tôi xem.
Trong số 4 hộ gia đình thì nhà ông Thanh có người theo nghề gốm đông nhất. Ông Thanh đã từng bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu học thêm nghề gốm ở các nơi khác trong cả nước, kết hợp với những thế mạnh vốn có của làng nghề mình mà cải tiến sản phẩm.
Từ sản xuất các vật dung gia đình đơn giản, gia đình ông đã làm ra nhiều loại sản phẩm gốm dùng cho sinh hoạt hàng ngày, rồi phục vụ cho trang trí nội thất, làm hàng mĩ nghệ... sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước, bỏ mối ở nhiều nơi. Chính vì vậy mà bao năm qua gia đình ông đã sống được bằng chính nghề gốm “gia truyền”
Quyết tâm gìn giữ nghề cha ông để lại, ông Thanh đã động viên các con theo nghề. Ông có bốn người con, hai trai, hai gái thì cả bốn người đều làm gốm. Song hai cô con gái chỉ những dịp cuối năm hàng đặt nhiều, mới tranh thủ về giúp thêm với gia đình, thời gian chính là làm việc khác bên gia đình chồng.
Anh con trai Nguyễn Hồng Quang đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, nay về vận dụng những kiến thức đã học để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Quang là một trong những thợ trẻ được tặng nhiều danh hiệu ở các hội thi thợ gốm trong nước.
Gia đình ông cũng là gia đình duy nhất có hệ thống nung gốm bằng ga, nên sản xuất được nhiều, độ đều, độ bền tốt và sản phẩm bán chạy hơn. Theo bà Nhạn, để đầu tư hệ thống nung bằng ga phải mất rất nhiều tiền nhưng khi khai thác lợi ích mang lại nhiều và ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Loay hoay tìm hướng đi
Với góc độ cá nhân gia đình ông Thanh hay gia đình bà Nụ, bà Vụ, đã cố gắng góp một phần nhỏ công sức vào khôi phục nghề gốm là vậy. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy cả một thương hiệu gốm Hương Canh cần phải có sự vào cuộc, quan tâm của chính quyền địa phương, bởi giờ đây như bản thân ông Thanh sức khỏe trở lại đã khó, chứ chưa nói gì đến làm việc, còn bà Nụ năm nay đã 75 tuổi.
Ông Nguyễn Đức Hợi, phó chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh cho biết: “Địa phương rất mong muốn phát triển nghề, nhưng thực tế bây giờ không cho phép, khi các khu công nghiệp ngày càng mở rộng, thanh niên đến tuổi trưởng thành phần đông đi làm công nhân có thu nhập cao hơn. Chúng tôi chỉ cố gắng gìn giữ để nó không mất đi, đó cũng là một điều đáng mừng”.
Từ năm 2000 đã có một tổ chức phi chính phủ đầu tư để phát triển, khôi phục lại làng gốm, song nhiều hộ gia đình không mặn mà với hướng đi này. Gốm Hương Canh rất khó cạnh tranh trên thị trường về giá bán, kiểu dáng, nếu nhiều loại sản phẩm ở chợ thị trấn khác nhau thì chắc chắn không phải hết là gốm Hương Canh, một số người biết về chất lượng sản phẩm thì họ mới biết cách chọn lựa và ưu tiên sử dụng mặt hàng này, ông Hợi giải thích thêm.
Tại chợ trung tâm của thị trấn Hương Canh, gốm được bày bán la liệt đủ mẫu mã, kiểu dáng. Nhưng thực tế cho thấy tận dụng mặt bằng, nhiều cửa hàng đã bán gốm Hương Canh xen lẫn với các loại khác.
Một số khách hàng khách quan nhìn nhận, riêng về mẫu mã, kiểu cách, giá thành của gốm Hương Canh không bằng được các loại gốm khác, xong chất liệu độ bền thì chính là ưu điểm nổi trội.
Một chủ cửa hàng gốm tại thị trấn nhận xét, nếu như để trà vào trong lọ gốm thì trà không bao giờ mốc mà giữ nguyên mùi thơm. Rượu để trong chĩnh gốm thì không bị thấm, không bay mùi hay giảm nồng độ...
Tìm hiểu thêm, tôi được thợ gốm Nguyễn Giang Anh hướng dẫn chi tiết cho cách phân biệt gốm Hương Canh và các loại gốm nơi khác. Để nhận biết, người mua quan sát sản phẩm thấy màu sắc trong ngoài như nhau, khi gõ vào cùng một sản phẩm nhưng gốm Hương Canh có tiếng thanh và vang hơn. Sở dĩ có điều đó vì đặc trưng chất liệu đất sét không pha cát và gốm Hương Canh không dùng đến chất tạo men.
Rõ ràng, để gìn giữ nghề gốm Hương Canh, điều cần thiết lúc này không phải mở rộng làng nghề mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm gốm về mẫu mã, kiểu dáng, cũng như cải tiến công nghệ để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời cần sự quan tâm của chính quyền địa phương định hướng phát triển làng nghề có quy hoạch cụ thể, có chính sách trợ giúp khó khăn, tạo điều kiện về mặt bằng, nơi sản xuất, có như vậy nghề gốm Hương Canh mới có thể phát huy và gìn giữ được lâu bền.
Chia tay làng gốm Hương Canh, tôi vẫn nhớ mãi giọng nói thều thào mà đầy trăn trở của ông Nguyễn Thanh: “Hơn 40 năm làm gốm, tôi chẳng mong được gọi mình là nghệ nhân, chỉ mong sao nhà nước có sự quan tâm để gốm Hương Canh vẫn còn đất sống”.

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

TẠO CƠ HỘI CHO THANH NIÊN PHÁT TRIỂN


Việc đưa trí thức trẻ đầu tiên Chu Phương Huân đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trong thời gian vừa qua là một dấu mốc quan trọng trong quyết định của Thủ tướng chính phủ bố trí 600 trí thức trẻ về 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh trong cả nước đảm nhiệm chức danh trên. Đây là sự đột phá về mặt bố trí những chức danh lãnh đạo chủ chốt là thanh niên có tri thức.
Hiện nay lực lượng thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) chiếm khoảng 26,7% dân số. Điểm nổi bật của họ là có sức khỏe, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu, là lực lượng xung kích, đi đầu ủng hộ và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều thanh niên đã tích cực tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vì thế những kiến thức được tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng thông qua truyền đạt của thanh niên, nhất là thanh niên địa phương dễ đến với bà con, nhân dân.
          Bố trí lãnh đạo trẻ là thanh niên, trí thức trẻ đã khắc phục được hiện tượng "sống lâu lên lão làng", đánh giá công việc qua năng lực hiệu quả đạt được chứ không vì mối quan hệ hay thời gian công tác. Và một phần lực lượng lãnh đạo kế cận là thanh niên đã đáp ứng được đòi hỏi này. Tuy nhiên việc tiếp cận và triển khai công việc ở vị trí lãnh đạo có những vướng mắc như thực tiễn kinh nghiệm cuộc sống, còn phụ thuộc vào cách nhìn cảm tính, cách đánh giá vấn đề có lúc còn chưa sâu sắc, dễ bị ảnh hưởng bởi những hiệu quả trước mắt mà chưa tính đến những lợi ích lâu dài.
Thực tế trên thế giới đã có những chương trình như "Chương trình phát triển quốc gia cho người trong độ tuổi từ 15 đến 18" hay "Chương trình nhà lãnh đạo trẻ tài ba", và cũng có quốc gia đưa trí thức trẻ về làm cán bộ chủ chốt của thôn, bản. Tuy nhiên tùy đặc điểm mỗi nước mà có cách sử dụng và nhận định khác nhau.
Để thực hiện thành công tạo điều kiện mọi mặt, cơ hội cho thanh niên phát triển ở những cương vị lãnh đạo, đòi hỏi sự quan tâm xã hội rất lớn, nhất là những lãnh đạo cấp trên có kinh nghiệm trong quản lý hành chính nhà nước, gương mẫu trong lề lối, phong cách làm việc và cuộc sống, bồi dưỡng kỹ năng mềm xử lý tình huống khi tiếp xúc với nhân dân ...  phát huy nguồn lực lao động chất lượng cao vào xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với tiềm năng về nguồn lực tri thức trẻ.
                                                                            DUY HIỂN

Những con đường khốn khổ


Chưa khi nào những con đường lớn ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai được cày xới rồi phải "chờ đợi" thời gian dài lại nhiều như hiện nay. Tiến độ thi công ỳ ạch đã làm cho người dân địa phương dở khóc, dở cười.
          "Lên thành phố mà như xuống ruộng cày"
          Chị Trần Thanh Vị sinh sống tại khu vực ngã ba thôn Hàm Rồng, xã Chư H'Drong đã nhắc lại câu này của một người khách từ huyện Đức Cơ ra thành phố ghé quán nước của chị nghỉ ngơi. Chị tiếp chúng tôi vẻ mặt ngao ngán: "Từ khi có dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 14, mấy chục hộ gia đình chúng tôi sống quanh đây như bị đày đọa. Mặt đường bị cày xới xuống thấp , nhà tôi phải chui qua đường ống cáp quang mới có thể lên nhà, mùa nắng bụi bặm, mùa mưa thì đất sình lầy, không mua bán gì được". Theo chân chị Vị vào nhà, chúng tôi phải chui qua đường ống cáp mà được đã được đơn vị thi công, san ủi phục vụ cho dự án. Bên cạnh đó, các hộ dân khác cũng đều có "cánh cổng đặc biệt" để đi vào nhà. Xung quanh khu vực là những ống cáp quang vỡ nát, tường nhà đổ, gạch đá lởm chởm. Chị Trần Thị Quỳnh và một số người dân cho biết thêm, trước khi san ủi mặt đường, cuối năm 2010 Ban dự án đền bù thành phố Pleiku đã có buổi họp dân, thông báo tình hình giải phóng mặt bằng, mở rộng lòng đường, phục vụ lợi ích xã hội. Đến tháng 11/2011 thì công trình bắt đầu thi công, nhưng việc thi công chậm chạp, ì ạch, không đúng như cam kết với các hộ dân. Nhân dân hai thôn đã kiến nghị ra cuộc gặp mặt cử tri Hội đồng nhân dân xã, tuy nhiên việc phúc đáp chỉ dừng ở hai từ "chờ đợi".
Việc san ủi mặt đường sâu đến gần 4 mét, mà không tiến hành thi công liên tục đã khiến cho con đường bị "hành hạ" bởi xe cộ qua lại, mưa dài ngày ở Gia Lai làm thành hồ chứa nước rộng lớn. Thỉnh thoảng lại có vụ tai nạn vì đường quá xấu. Không thể chờ đợi bởi công việc buôn bán bị đình trệ, cuộc sống ngày càng khó khăn, nhiều gia đình đã đóng cửa chuyển đi nơi khác. Hơn 20 hộ dân hai thôn Hàm Rồng và Ia Rốc đã làm đơn kiến nghị lên UBND thành phố Pleiku chờ được giải quyết. Theo văn bản số 581/UBND nhận được từ UBND thành phố Pleiku về việc trả lời kiến nghị của nhân dân khu vực Hàm Rồng ban hànhngày 16/3/2012, UBND thành phố đã đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tại Gia Lai bổ sung hồ sơ thiết kế bậc lên xuống mái taluy khu vực dốc Hàm Rồng để nhân dân có lối đi và phương án này đã được chấp nhận. Song thời gian cam kết để hoàn thành đoạn đường qua ngã ba Hàm Rồng chưa đầy 1 km là một câu trả lời còn bỏ ngỏ? Người dân còn kiến nghị truyền hình địa phương về phản ánh, truyền hình địa phương đã phát sóng nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Đường hành dân mấy năm nay
Nếu ai đã một lần đi vào đoạn đường Lê Đại Hành dài chưa đầy 5 km thuộc đường vành đai của tỉnh lộ 672 sẽ có những cảm nhận khó quên về con đường mà ổ voi nhiều hơn ổ gà. Sau một cơn mưa, những cái ao nhỏ trên đường nhiều như nấm, các phương tiện đi qua đều phải "bò" thật chậm chạp. Theo phản ánh của người dân nơi đây, tình trạng này đã diễn ra gần 4 năm nay, khiến người dân khổ sở muốn chuyển đi cũng khổ, mà ở lại thì phải chịu đựng bụi bặm mùa nắng, nhớ nhớp mùa mưa. Tháng 6/2010 UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường Lê Đại Hành theo quyết định 818/QĐ-UBND, công trình được thực hiện theo tiêu chuẩn đường đô thị. Tổng mức đầu tư gần 28,5 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, còn 50% thành phố Pleiku tự cân đối, đồng thời ấn định thời gian thực hiện từ năm 2010 đến hết 2011. Vậy mà, đã quá nửa năm 2012, con đường "đầy đau khổ" này vẫn phải chống trọi với những chuyến xe tải nặng nề và những lời than vãn của nhân dân nơi đây. Quan sát toàn tuyến đường chúng tôi thấy có khá nhiều hộ gia đình treo biển bán nhà, cùng những cánh cửa luôn đóng kín để tránh bụi bặm.
Ông Nguyện một người dân sống lâu năm ở tuyến đường này cho biết, khi nghe có đơn vị thi công, người dân phấn khởi vì thoát khỏi cảnh "tai ương", tai nạn như cơm bữa. Thế mà chỉ làm được mấy tháng mùa nắng, đến mùa mưa con đường đã vắng bóng nhà thi công, chính vì vậy mà cảnh tượng trên đường giờ còn tệ hại hơn. Được biết, tuyến đường Lê Đại Hành do công ty TNHH Hoàng Nhi nhận thầu, hợp đồng ký kết đến quý I, năm 2012 phải hoàn thành, nhưng đơn vị này mới thi công được một nửa và dừng lại vì không có vốn ?
Nguyện vọng của người dân
Không chỉ có người dân khu vực ngã ba Hàm Rồng, đường Lê Đại Hành mà nhiều tuyến đường khác trong thành phố Pleiku như đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh thuộc phường Chi Lăng, Lý Nam Đế thuộc phường Trà Bá đều có nguyện vọng tha thiết được UBND tỉnh, thành phố quan tâm đến cuộc sống người dân, khỏi phải đối mặt với những khó khăn đi lại mà những con đường đã, đang thi công gây khổ sở, cản trở đến sinh hoạt của họ.
Xin chuyển lời của bác Võ Thông, người đã có hơn 30 năm sinh sống tại thôn Hàm Rồng đến các cơ quan chức năng: "Tôi mong mỏi con đường sớm hoàn thành để trả lại cuộc sống ổn định cho dân chúng tôi, đồng thời bớt đi những cảnh tượng tai nạn thương tâm. Tôi già ở đây quen rồi, không muốn chuyển đi đâu nữa".
                                                                                                  DUY HIỂN

CON CỦA MẸ



Đầu năm 2011, chiến sĩ Nguyễn Hữu Vinh nhập ngũ về Đại đội 14, Trung đoàn 28, Sư đoàn Đắc Tô cũng là thời điểm mẹ em bị bệnh nặng phải nhập viện để mổ khối u tại bệnh viện Quy Nhơn. Em dành hết tất cả số tiền phụ cấp gửi về nhà, chỉ dành lại một ít mua nhu yếu phẩm sinh hoạt. Cán bộ đại đội thấy lạ vì số tiền nhờ gửi về nhà có lúc vượt quá khả năng với phụ cấp của một binh nhì, nhưng khi tìm hiểu rõ nguyên nhân mới biết gia cảnh của Vinh thật khó khăn. Em sinh ra và lớn lên tại Hoài Nhơn, Bình Định là con đầu trong gia đình ba anh em, mẹ sức khỏe yếu nên bố phải vất vả lo cho cả nhà. Vinh học trung cấp nghề song nghỉ nửa chừng để đi làm thuê giúp thêm nuôi các em ăn học.
Sau ba tháng huấn luyện chiến sĩ mới, Vinh được đơn vị cử đi học Khẩu đội trưởng tại Trường Quân sự của Binh đoàn, thói quen gửi tiền về nhà em vẫn giữ để giúp đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Tốt nghiệp Khẩu đội trưởng với quân hàm Trung sĩ, được học cảm tình Đảng, trở lại đơn vị cũ công tác là niềm vui mừng đối với Vinh. Phụ cấp đối với Trung sĩ có nhiều hơn, Vinh dành đến năm trăm nghìn đồng hàng tháng để gửi cho gia đình, Trung úy Trần Văn Nam, Đại đội trưởng đã chia sẻ điều này với chúng tôi.
Vinh tâm sự: "Em thương cha mẹ và các lắm nhưng không giúp gì được chỉ cố gắng tiết kiệm phụ cấp, dành dụm phần nào đó để chia sẻ khó khăn với gia đình và động viên mẹ vượt qua được bệnh tật". Được biết, ở đơn vị Vinh là cán bộ tiểu đội mẫu mực, luôn hòa đồng với đồng đội, các nhiệm vụ em đều hoàn thành với trách nhiệm cao. Trung tá Triệu Trường Giang, phó chính ủy Trung đoàn cho hay: "Năm trăm nghìn đồng số tiền không nhiều đối với người hưởng lương nhưng với một hạ sĩ quan đó là một sự cố gắng rất lớn. Tôi tin tình yêu thương của Vinh sẽ giúp mẹ em vượt qua được bệnh tật.Ttrong thời gian tới chắc chắn chúng tôi sẽ phát động việc làm này cho mọi chiến sĩ trong đơn vị học tập theo đồng chí Vinh".
DUY HIỂN

Chuyện cuối tuần - Thói xấu ở “Thiên đường mua sắm”


QĐND - Chủ nhật, 16/12/2012
Chúng tôi có dịp lên Lạng Sơn vào dịp cuối năm. Dự định của mọi người trong đoàn là đi tham quan, kết hợp với mua sắm vài thứ cho gia đình. Được lái xe dẫn đường, chúng tôi đến trung tâm thương mại Hồng Kông gần khu vực cửa khẩu quốc tế Tân Thanh. Ngay lối đi vào cổng chính có một pa nô lớn với tiêu đề “Thiên đường mua sắm”.
Vừa bước vào cổng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời mời chào. Hàng trăm mặt hàng gia dụng, điện tử được bày bán, nhìn khá bắt mắt. Dừng lại ở hàng chăn ga, gối nệm, tôi bị cuốn hút bởi chiếc chăn bông có vẻ rất ấm áp. Chị bán hàng đon đả: “Anh mua chăn, em bán rẻ 850 nghìn”. Tôi buột miệng: “Cái này chắc chỉ đến 400 nghìn”. Chị bán hàng năn nỉ trả thêm, song với thái độ bán hàng chèo kéo khách, tôi không hài lòng nên quyết định không mua nữa. Tôi tiếp tục đi xem ở quầy bán khác.
Lúc chuẩn bị rời khỏi trung tâm thương mại Hồng Kông để ra ngoài, tôi gặp chị bán hàng lúc trước, đang đứng chặn ngay lối ra với chiếc chăn bông đã được gói gém vào túi xách cẩn thận. Chị ta nắm tay tôi lại nói to: “Chăn của anh đây, 400 nghìn, lấy đi”. Tôi trả lời: “Tôi không thích nên tôi không lấy”. Lập tức, trước mặt tôi xuất hiện vài ba thanh niên với giọng điệu thách thức, cợt nhả. Chị ta buông hàng loạt những từ ngữ chẳng hay ho gì, kèm theo lời dọa dẫm: “Không mua hàng thử hỏi có rời khỏi đây được không”. Mọi người trong đoàn của chúng tôi đều bức xúc bởi cách hành xử thiếu văn hóa, song vẫn nhẹ nhàng giải thích lại với chị bán hàng. Được nước, chị ta to tiếng hơn nữa, một số người bán trong trung tâm thấy thế hùa vào nói theo, bắt tôi phải mua. Thấy tình hình căng thẳng, một anh bạn tôi đã gọi điện cho công an địa phương. Các anh công an khuyên chúng tôi nên gặp Ban quản lý trung tâm thương mại để giải quyết cho hợp lý. Quan sát thấy bạn tôi đi về phía phòng làm việc Ban quản lý, một thanh niên đã chặn đường lại quát lớn: “Nếu các ông không mua nữa thì đưa đây 50 nghìn”. Tuy nhiên, thấy chúng tôi có thái độ cương quyết và nghe thoáng chuyện đi gặp Ban quản lý chợ, họ đã để chúng tôi đi, nhưng không quên kèm theo những lời “tục tĩu”.
Chúng tôi ra về mà trong đầu ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ. Không biết đã có bao nhiêu đoàn khách tham quan, du lịch, mua sắm gặp hiện tượng trên ở “Thiên đường mua sắm” trung tâm thương mại Hồng Kông ? Và liệu chính quyền địa phương có biết được những việc không hay vẫn thường ngày xảy ra nơi đây, hay cứ để “thói xấu” này sẽ làm mất dần đi những du khách đến với quê hương mình ?
 DUY HIỂN

"Ổ VOI" TRÊN NHỮNG TUYẾN ĐƯỜNG

Bạn đường - Cập nhật: 15/11/2012, 10:02 [GMT+7]

Chưa khi nào những con đường lớn ở trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai được cày xới rồi phải "chờ đợi" thời gian dài nhiều như hiện nay. Tiến độ thi công ỳ ạch đã làm cho người dân địa phương dở khóc, dở cười. Đồng thời, những công trình mới làm xong nhưng chết lượng thi công không đảm bảo đã làm phát sinh những ổ voi, ổ gà, vũng nước ngập đường...
Gia Lai đang vào cuối mùa mưa nên những con đường này gây ảnh hưởng không nhỏ cho hoạt động giao thông cũng như cuộc sống của người dân trong thành phố. Dưới đây là những hình ảnh chúng tôi đã ghi lại tại các con đường trong trung tâm thành phố Pleiku vào những ngày đầu tháng 9
Ảnh kèm theo:
1. Ngã ba Hàm Rồng cửa ngõ vào thành phố

 2. Đường Nguyễn Chí Thanh mới sử dụng chưa được 1 năm đã bong nát
3. Tập kết đất đá hai bên đường Trường Chinh đã lâu
 4. Đường Lê Đại Hành rất nhiều đoạn bị cày xới
 5. Đường Lý Nam Đế như một cái áo

                                                                                               Vũ Duy Hiển

NÊU GƯƠNG


QĐND - Thứ hai, 18/06/2012

Mùa hè đổ lửa thao trường,
A trưởng cáo ốm, "nắng nhường" anh em.
Đến khi bình bầu muốn khen,
Ta vất vả phải rèn luyện quân...!
Chiến sĩ không phục trong tâm,
Song ngại góp ý, đành phần cho anh.
Ơi anh "a trưởng tinh ranh",
Từ đây gian khổ, đồng hành cùng nhau.
Bút danh: XÂY DỰNG

Đất ở 8 năm bỏ hoang


QĐND - Thứ Sáu, 28/09/2012, 18:31 (GMT+7)
QĐND - Sau khi có quyết định của chủ tịch UBND huyện về việc giao đất, chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất nhà ở cho 420 hộ dân ở thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh) từ cuối năm 2004, đến nay hơn 110.000m2 của khu tái định cư thôn Kim Đôi vẫn chưa có ngôi nhà nào được xây dựng. Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng thôn cho biết: “Người dân trong thôn chúng tôi được chuyển đổi, đền bù đất, kèm theo đóng các khoản sử dụng đất từ năm 2004, năm 2007 được cấp sổ đỏ, nhưng đến giờ vẫn chưa thể làm nhà vì hệ thống đường đi lại chưa có”.

Khu đất đã phân lô cho các gia đình nhưng đến nay vẫn cỏ dại mọc um tùm do thiếu các công trình cơ sở hạ tầng. (Ảnh chụp ngày 10-9-2012).
Bà Phạm Thị Kim, một người dân trong thôn chia sẻ: "Gia đình tôi có hai con trai đến tuổi lấy vợ, có mảnh đất ở khu tái định cư, muốn làm nhà cho cháu ở riêng cho đỡ chật chội mà không làm được. Các khoản đóng góp cho khu vực tái định cư đều đã đóng hết, nhưng không hiểu sao địa phương vẫn chưa làm các công trình công cộng như đã cam kết". Tìm hiểu khu vực tái định cư này, chúng tôi thấy cỏ dại mọc kín hết các bãi đất đã được phân lô. Khu vực này trước kia được người dân trồng lúa và hoa màu, đợi mãi không có động tĩnh gì trong việc xây dựng các công trình công cộng khu tái định cư nên một số người dân tranh thủ trồng các cây hoa màu ngắn ngày để thu hoạch. Một vài gia đình mới mang gạch đá xây tạm để giữ đất, ông Sơn cho biết thêm.
Người dân thôn Kim Đôi mong sao kiến nghị này đến được các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh và họ sớm thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như đã cam kết để người dân có thể xây nhà, giải quyết những khó khăn về nơi ở đang rất cấp thiết hiện nay.
                                                                                                     Bài và ảnh: DUY HIỂN

Bát mì tôm “mở lòng”


QĐND - Thứ Tư, 03/10/2012, 16:31 (GMT+7)

QĐND - “Quản lý tư tưởng phải có phân cấp, phân quyền nhưng khi người cán bộ phát hiện được tình huống tư tưởng ở một quân nhân cụ thể thì cần dành sự quan tâm đặc biệt, có như vậy "trận địa" tư tưởng mới luôn được bảo vệ kín kẽ” - Trung tá Võ Sơn Anh, Chính ủy Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 khẳng định như vậy và chia sẻ một kinh nghiệm rất sinh động khi còn là Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48:
- Một lần, theo thói quen, sau báo thức sáng và giờ thể thao chiều tôi đi tập thể dục, kết hợp kiểm tra đơn vị. Qua hai ngày liên tiếp tôi phát hiện một chiến sĩ của Đại đội 11 có biểu hiện buồn bã, không tham gia các hoạt động TDTT, rất ngại nói chuyện với đồng đội.

Tìm hiểu từ cán bộ đại đội, anh Anh biết chiến sĩ này là Nguyễn Văn Lưu, quê ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, có biểu hiện buồn bã, chán nản từ ngày đầu nhập ngũ. Mặc dù vậy, nhiệm vụ nào được đơn vị giao Lưu cũng đều hoàn thành, đồng thời còn là một thủ môn giỏi của đội bóng đá. Sau khi nắm được sơ bộ vấn đề, anh Anh cho gọi chiến sĩ Lưu lên gặp và cùng với cán bộ đại đội hỏi thăm tình hình gia đình và động viên Lưu. Những ngày sau đó, trong các bữa cơm, anh tiếp tục quan sát thấy chiến sĩ này vẫn chỉ ăn qua loa sau đó đi về phòng nghỉ. Các hoạt động tập thể vẫn không lôi cuốn được Lưu tham gia. Đến bữa ăn trưa ngày hôm sau, anh lại gọi Lưu lên phòng riêng, pha hai gói mì tôm và nói: "Mấy hôm nay, anh để ý thấy chú ăn uống rất kém. Ăn mì tôm với anh nhé". Lưu rất cảm động và ăn một cách ngon lành. Ăn xong, Lưu khóc nức nở, chia sẻ với chính trị viên những chuyện buồn của gia đình, chuyện của bố mẹ, chuyện ba đứa em nhỏ đang ở với ông bà đã già yếu; tư tưởng nặng trĩu buồn lo cho hoàn cảnh gia đình, chuyện khó khăn khi sinh hoạt ở môi trường tập thể, đã khiến Lưu có ý định bỏ ngũ.

Được biết, sau buổi gặp với Chính trị viên Sơn Anh, Lưu đã hòa đồng hơn với đồng đội, không những thế Lưu còn tích cực tham gia hoạt động TDTT, trở thành thủ môn của đội tuyển bóng đá Sư đoàn và là một chiến sĩ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cho đến ngày xuất ngũ.

Như vậy, kinh nghiệm cho thấy: Việc nắm bắt tư tưởng bộ đội phải luôn ở trạng thái chủ động của người cán bộ, không chỉ cán bộ trung, đại đội mà cán bộ cấp trên cũng cần tham gia sâu sát khi phát hiện được tình huống.
                                                                                                                 DUY HIỂN

Thủ đoạn tinh vi sử dụng tiền giả


QĐND - Thứ Tư, 28/11/2012, 19:15 (GMT+7)

QĐND - Từ đầu tháng 10-2012, ngân hàng nhà nước đã có cảnh báo hiện tượng tiền giả xuất hiện và cách nhận dạng tờ polymer có mệnh giá 200.000 đồng, vì vậy, để phát hiện tiền giả cũng không khó. Tuy nhiên, các đối tượng dùng tiền giả đã có cách sử dụng hết sức tinh vi nhằm qua mắt người bán hàng.
Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ một tiệm tạp hóa ở đường Ngô Quyền, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội trong vòng một tháng đã 4 lần mắc phải tiền giả với những tình huống khác nhau. Lần gần đây nhất vào ngày 21-11, một cô gái vào mua thẻ điện thoại trị giá 100.000 đồng, cô ta đưa cho chị Tâm tờ 500.000 đồng, chị trả lại tiền thừa hai tờ 200.000 đồng. Lợi dụng lúc chị Tâm không để ý, cô ta tráo nhanh tờ 200.000 đồng và nhờ chị Tâm đổi tiền lẻ với lý do để đi xe buýt. Nghĩ mình vừa trả lại tiền thừa bằng tiền của mình nên chị Tâm không ngần ngại đổi tiền lẻ cho cô gái ấy. Đến khi cô gái kia đi khỏi chị mới phát hiện ra mình đã bị lừa. Một lần khác, lợi dụng lúc chiều tối người ra vào nhiều, đối tượng đã dùng hai tờ 50.000 đồng giả để mua hàng. Chị Tâm bức xúc: “Tôi bán hàng lâu năm nên khi kiểm tra đều phát hiện ra tiền giả, nhưng với những thủ đoạn như vậy thì đôi khi vẫn bị mắc lừa”.
Đề nghị cơ quan chức năng, trước mắt cần tăng cường tuyên truyền về cách nhận biết và thủ đoạn sử dụng tiền giả để người dân có biện pháp “phòng ngừa”, đồng thời nghiêm túc xử lý theo pháp luật với các đối tượng lưu trữ và sử dụng tiền giả, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
DUY HIỂN

Nhiều khuất tất trong sử dụng đất giãn dân


Sau khi Báo Quân đội nhân dân ngày 29-9-2012 có bài viết phản ánh “Đất ở 8 năm bỏ hoang” nói về tình trạng đất đai ở thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh để hoang hóa, nhiều năm không sử dụng, chúng tôi tiếp tục trở lại Kim Chân để làm rõ hơn về sự việc nêu trên.

Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2004, khi xã Kim Chân còn thuộc huyện Quế Võ, UBND huyện có quyết định giao đất cho nhân dân thôn Kim Đôi ở hai khu vực giãn dân là Đồng Sau – Bờ Đó gồm 420 lô với diện tích 114.430m2 và khu vực Trước Cửa là 129 lô với diện tích 26.222m­­2. Căn cứ vào tiêu chuẩn được nhận đất do UBND huyện ban hành, các hộ dân nhận được tổng số 475 lô, còn 74 lô thì thôn vận dụng gửi một số hộ dân đứng tên (khu Trước Cửa 41 lô và khu Đồng Sau – Bờ Đó là 33 lô). Mục đích gửi 74 lô cho các hộ dân đứng tên để thôn lấy tiền từ các lô đất bán đấu giá, cộng với các khoản thu do dân đóng góp, nhằm xây dựng các công trình công cộng trong thôn. Đến năm 2007, UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các lô đất được chuyển nhượng, thì người dân mới phát hiện thấy sự mập mờ qua việc bán đất, gửi đất và sử dụng tiền sai mục đích của Ban quản lý thôn. Chính vì vậy, ngày 3-9-2008, Chi bộ thôn đã thành lập tổ kiểm tra do ông Nguyễn Minh Tâm đảng viên nhiều tuổi nhất trong chi bộ làm tổ trưởng, nhằm xác minh khiếu kiện, tố giác của người dân về Ban quản lý thôn có biểu hiện tham nhũng.
Khu đất giãn dân Trước Cửa để cỏ mọc đã nhiều năm. Ảnh: Hoàng Triệu
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người dân được chuyển đổi, đền bù đất, mỗi hộ có đất nộp 140.000 đồng/m2 để xây dựng hạ tầng, năm 2007 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thể làm nhà vì hệ thống đường đi lại, công trình phúc lợi công cộng chưa được xây dựng. Tại sao  đã 8 năm  trôi qua mà địa phương chưa triển khai xây dựng được hệ thống các công trình công cộng? Những khoản tiền mà người dân đã nộp hiện ở đâu, ai quản lý?
Ngày 18-10-2012, ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Kim Chân, khi trao đổi với chúng tôi về việc chậm xây dựng các công trình công cộng đã không ngần ngại cho biết: “Tồn tại như vậy vì không có tiền để làm hạ tầng. Khi thực hiện chủ trương cấp đất giãn dân, thôn Kim Đôi được UBND huyện Quế Võ "bật đèn xanh" cho bán đấu giá một số lô đất trong diện giãn dân còn dư để lấy quỹ. Thôn Kim Đôi bán đất để xây nhà trẻ, xây đình làng và một số công trình khác.  Việc này hoàn toàn do trưởng thôn, bí thư chi bộ, chi ủy bàn giá bán. Vì tất cả nguồn đấy để thôn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, UBND xã không hề can thiệp tý nào!”.
Còn các khoản tiền thu từ đền bù đất và dân đóng góp, thì trong các văn bản liên quan có ghi lại nội dung buổi làm việc ngày 16-8-2008, để giải quyết đơn khiếu nại của công dân là bà Phạm Thị Kim và ông Nguyễn Văn Thụy, ông Nguyễn Văn Hiển, Bí thư Chi bộ thôn lúc đó có thông báo: Tổng thu tiền đất là khoảng 14 tỷ đồng, trừ các khoản phải nộp về cấp trên theo quy định và đền bù xã viên, còn khoảng 7 tỷ đồng đã chi vào các công trình của thôn như: Xây dựng trường mầm non, đình làng và nhà văn hóa.
Với những ''quyết định mở'' từ huyện, Ban quản lý thôn đã bàn giá bán các lô đất. Một số người dân được hỏi, họ đã nắm được việc đấu giá 74 lô đất ở hai khu vực giãn dân, nhưng sau khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì họ không được biết những ai là chủ nhân của 74 lô đất ấy. Thực tế UBND huyện Quế Võ đã cấp toàn bộ 549 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thôn Kim Đôi, còn việc công khai danh sách để người dân biết thì dường như Ban quản lý thôn Kim Đôi chưa làm việc này.

Khu đất giãn dân Đồng Sau – Bờ Đó vẫn chưa có nhà dân xây dựng. (Ảnh chụp ngày 18-10)
Như vậy, rõ ràng việc cấp đất giãn dân ở thôn Kim Đôi có nhiều vấn đề khuất tất, vi phạm pháp luật, dẫn đến hàng trăm nghìn mét vuông đất bỏ hoang và người dân khiếu kiện. Nguyện vọng của người dân địa phương hiện nay là rất mong UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và công khai danh tính 549 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ lý do vì sao mãi không triển khai được việc xây dựng hạ tầng cơ sở khu giãn dân. Đồng thời yêu cầu chính UBND xã Kim Chân và thôn Kim Đôi giải trình rõ các khoản tiền đầu tư cho xây dựng đình làng, trường mầm non, nhà văn hóa. Làm được điều này thì dư luận xã hội ở địa phương mới hết bức xúc và người dân mới yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
                                                                                       Bài : DUY HIỂN