Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Ấm lòng cà đắng

Bài của Vũ Duy
Tôi quen chị đã lâu, nghe kể chuyện về phố núi quê tôi mà mê lắm, chị mong một ngày nào được đặt chân đến đó. Không biết ai mách nước mà chị cứ gạn hỏi và bắt bằng được tôi lần này về quê nhớ mang cho chị mấy cân cà đắng, thứ đặc sản chỉ có vùng nắng gió đất đỏ Tây Nguyên mới có vị nguyên chất của nó.
       Bao giờ cũng vậy, bữa cơm đầu tiên khi đi xa về, bên cạnh những món ăn thịnh soạn mẹ đều có món cà đắng dành riêng cho mình tôi. Hình như mẹ hiểu được cảm giác nỗi nhớ của tôi dành cho gia đình nhiều lắm. Gắp miếng cà đắng chấm muối ớt giã với lá é mà ấm lòng đến lạ. Những ký ức năm tháng của tuổi thơ cứ dần hiện về trong tôi.
       Trước mặt cửa nhà bạt ngàn là cây cỏ, rau dại. Cơ quan bố tôi cấp một bên đất cho các hộ gia đình để làm nhà, còn bên kia đường đất cấp không mà chẳng ai buồn lấy. Nhà tôi nghèo lắm, tôi nhớ tài sản quý giá nhất lúc bấy giờ là chiếc xe đạp Thống Nhất mà lần đi công tác bố mua được. Những bữa cơm có thịt có cá thật là hiếm hoi vì thế rau khoai, rau dền dại, cà đắng luôn là những món ăn thường trực của bữa ăn. Anh trai tôi thường dành ăn cà đắng nhiều hơn để phần các món ăn khác cho các em. Tôi thường lén mẹ hái bừa bãi những quả cà đắng ném nhau hay búng bi với mấy đứa trẻ trong xóm, vừa để không phải ăn nó đến mỗi bữa cơm vì vị chát và thật đắng. Mà cũng lạ, cây cà đắng chẳng cần phải chăm sóc, trong cái nắng cái gió, mưa dài ngày mà vẫn đều đều cho quả, những trái cà đắng dại to hơn đầu ngón chân cái, có màu xanh nõn với đốm trắng. Lúc già chúng ngả sang màu vàng mà mỗi khi chúng tôi ném vào nhau thì đau phải biết, có lẽ do vỏ của chúng rất dày.
Những ngày tháng gian khó của gia đình rồi cũng đi qua, hàng xóm láng giềng ngày một đông đúc hơn. Đến khi tôi biết đến vị ngon của cà đắng thì cũng là lúc chúng mất dần cho khu phố mới thành lập, song mẹ vẫn dành một khoảnh đất để trồng nó. Tôi nghiện nó, cứ mỗi lần ăn với cơm tôi lại cho cả nhà phát sợ vì ăn đến quá nhiều. Công thức chế biến thật đơn giản nhưng nếu không để ý có lẽ tôi chẳng bao giờ nấu ngon như mẹ. Cà đắng non nấu ngon nhất với các nội tạng của bò như lòng, sách bò... Khi làm quả cà bổ làm đôi ngâm với nước muối, lòng bò ướp gia vị cho một ít dầu ăn om lên cho săn thịt rồi đổ nước cùng với cà đã ngâm đun đến nhừ và không quên cho các loại rau gia vị, xả, gừng, nước nghệ tươi, rau thơm, tía tô, mùi tàu, lá lốt, hành lá, húng quế và ớt tươi. Món cà đắng nấu ra phải đảm bảo sền sệt, có vị cay nồng và vị đắng đặc trưng gần như ăn sống. Có thể dùng với cơm hoặc làm món để uống rượu. Tôi nhớ nhất những ngày mùa mưa cà đắng dùng với cơm thì thì thật tuyệt vời. Vị đắng của cà quyện lẫn lòng bò cay nồng làm cho ta có cảm giấc ấm nóng khi dùng đến nó.
Tuy nhiên, theo cách nấu của một cô giáo người Ja Rai dạy cùng trường mà mẹ tôi học được là nấu cà đắng với các loại cá. Sau khi luộc cá, đem vào cối giã nát. Cà luộc chắt nước để bớt vị chát, vớt ra xào cùng với cá rồi đổ nước đun sền sệt kết hợp cho các loại rau thơm, ớt và lá é là hai gia vị chủ đạo. Từ vị đắng đậm đà mà cà đắng không chỉ là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là món ăn quen thuộc của người dân ở Tây Nguyên. Bạn bè có dịp lên Pleiku đều được tôi đãi món đặc sản này. Mới đầu ai cũng cảm thấy đắng đến khó chịu nhưng qua vài lần cố gắng đều thưởng thức một cách ngon lành. Cà đắng ăn sống chấm mắm hay xào với lòng bò đều được bọn bạn dọn sạch sẽ.
Cứ miên man thưởng thức và nghĩ, tôi giật mình bởi tin nhắn điện thoại của chị: "Hôm nay ăn cơm có cà đắng không em, nhớ mang cho chị mấy cân nhé". Tôi mỉm cười chia sẻ câu chuyện với cả nhà. Mẹ tôi vui lắm, chỉ bảo cặn kẽ thêm những bí quyết để nấu được ngon hơn. Tôi thầm nghĩ mưa rét Hà Nội mùa này mà chị được dùng cơm với cà đắng chắc sẽ nhớ đến quê tôi nhiều lắm, nhất định tôi sẽ nấu cho chị và bạn bè ngoài đấy thưởng thức.
                                   Trà đá - Cà phê