Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Giao thông Hà Nội trong mắt tôi


Bài của Vũ Duy
Nếu ai đã tham gia giao thông trong nội đô thành phố Hà nội sẽ có những giây phút hồi hộp, lo lắng không thể nào quên. Tôi viết ra những điều này không có ý chê bai người Hà Nội bởi vì điều kiện khách quan hạ tầng cơ sở, mật độ dân cư đông đúc ảnh hưởng khá lớn đến sự hình thành thói quen tham gia giao thông.
"Xẹt ... rầm ... Đi đứng như thế à, có mù mắt không đấy ?" Hai anh thanh niên đi xe gắn máy mắng xa xả, đổ lỗi cho nhau vì ai cũng khẳng định mình đúng quy định. Đây là những chuyện thường thấy khi tham gia giao thông trên các tuyến nội đô của thành phố Hà Nội. Quả thật không có gì lạ khi một vài người nước ngoài nhận xét, người điều khiển phương tiện giao thông ở Hà Nội như những diễn viên xiếc thực thụ.
Tôi ở Gia Lai, ra Hà Nội học tập bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Phải nói  rằng "Trăm nghe không bằng một thấy", cuộc sống của một thành phố năng động, hối hả nhưng cũng có nét thâm trầm, suy tư khi dạo trên phố cổ hay lang thang quanh Hồ Gươm. Song mỗi lần ra đường hòa mình vào dòng người tấp nập của Thủ đô tôi lại nơm nớp một điều "Lo sợ !".
Đi xe gắn máy trên vỉa hè
Tôi sợ bởi "cái giao thông" rất "tự nhiên" của người thành phố mà tử thần có thể hỏi thăm bất cứ lúc nào. Cắt ngang đường, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, va chạm nhau... chuyện xảy ra như cơm bữa. Tắc đường ư, điều đó là không thể tránh khỏi bởi không gian nội đô nhỏ hẹp mà dân cư đông đúc. Không đội mũ bảo hiểm ư, chuyện chỉ phản ánh nhiều ở nông thôn, miền núi thế mà Hà Nội cũng không kém và nhất là những chiếc xe máy đắt tiền, một số người ngồi trên xe ra vẻ ngơ ngác nếu gặp cảnh sát giao thông hỏi thăm. Còn chuyện ở ngã ba ngã tư, tín hiệu còn gần 10 giây mới chuyển sang đèn xanh thì người dân đã ngang nhiên đi xe qua đường, nếu xe trước không đi chắc chắn sẽ bị xe sau nhắc nhở bằng tín hiệu còi inh ỏi hoặc những lời lẽ thô tục.
Và thật lạ trong luật giao thông đã quy định các phương tiện phải tuân thủ các tín hiệu, biển báo nhưng khi gặp một quãng đường đông đúc, giải pháp tối ưu của các xe máy là leo lên vỉa hè thẳng tiến chiếm luôn phần dành cho người đi bộ. Ban đầu nhìn những cảnh tượng đó, tôi rất ngán ngẩm, nhưng mãi cũng thành quen. Rồi những chuyện đi xe phạm luật giao thông, giả danh nhà báo, con ông này, quen bà nọ để dọa cảnh sát hầu như tháng nào cũng thấy trên báo chí phản ánh. Chỉ thương cho mấy anh công an, đứng mũi chịu sào, lăn lộn hết mình vì lợi ích của nhân dân mà thỉnh thoảng vẫn bị lăng mạ bởi những kẻ vô ý thức, thậm chí còn hành hung các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ. Và mới đây thôi, tổ cảnh sát 141 của công an Hà Nội do Trung tá Nguyễn Đức Chung làm tổ trưởng đứng chốt ở ngã tư Trường Chinh – Giải Phóng xử lý các trường hợp vi phạm. Phát hiện thấy thanh niên đi xe máy PCX có dấu hiệu vi phạm luật giao thông và bỏ chạy, trung tá Chung bố trí hơn chục cảnh sát cơ động, giao thông và hình sự để chặn, thanh niên này đã phóng thẳng xe tông vào Trung tá Chung khiến ông bất tỉnh, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Vượt đèn đỏ
Hiếm quốc gia nào trên thế giới mà giao thông lại được nâng lên tầm văn hóa như ở nước ta, bởi đã tham gia giao thông đương nhiên phải chấp hành luật giao thông, nếu xảy ra vi phạm căn cứ luật giao thông để xử lý các bên vi phạm mức độ nào. Còn ở Hà Nội phải cần thiết như thế để kêu gọi ý thức tự giác của mỗi người dân. Hình như đề tài này là câu chuyện muôn thuở dành cho giới truyền thông phân tích, bình luận. Chính quyền thành phố cũng đã có hàng trăm biện pháp, hàng ngàn văn bản để "cấp cứu cho giao thông nội đô" nhưng sự chuyển biến đó thật chậm chạp. Ở một đất nước đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, không chiến tranh mà một ngày vẫn có một "trung đội" thiệt mạng trên cả nước bởi tai nạn giao thông và Hà Nội góp phần không nhỏ vào những con số này.
Tôi xin cam đoan rằng nếu bạn là người Hà Nội, bạn vào các thành phố lớn hay những thành phố nhỏ trong cả nước, cũng có tắc đường, cũng có va chạm, xô xát nhưng chắc chắn một điều việc chấp hành luật giao thông văn minh hơn Hà Nội rất nhiều. Tôi viết ra những điều này không có ý chê bai người Hà Nội bởi vì điều kiện khách quan hạ tầng cơ sở, mật độ dân cư đông đúc ảnh hưởng khá lớn đến sự hình thành thói quen tham gia giao thông. Nhưng xét về một góc độ nào đó ý thức chấp hành luật lệ giao thông rõ ràng cần nhiều sự nghiêm túc điều chỉnh, hiểu biết từ mỗi cá nhân người đi đường. Muốn khắc phục những tồn tại yếu kém của giao thông Hà Nội không phải một sớm một chiều của các cơ quan nhà nước mà cần sự đồng tình từ nhiều phía mà nhất là người dân đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất Thủ đô. Đồng thời cũng mong rằng năm 2012 thực sự là "Năm an toàn giao thông" đúng như mục tiêu đã đặt ra chủ yếu của năm là giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông mà tiên phong phải là hai thành phố lớn của cả nước Hà Nội và Hồ Chí Minh.
                                         Trà đá - Cà phê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét