Chưa khi nào những con đường lớn ở thành phố
Pleiku, tỉnh Gia Lai được cày xới rồi phải "chờ đợi" thời gian dài
lại nhiều như hiện nay. Tiến độ thi công ỳ ạch đã làm cho người dân địa phương
dở khóc, dở cười.
"Lên
thành phố mà như xuống ruộng cày"
Chị Trần Thanh Vị sinh sống tại khu
vực ngã ba thôn Hàm Rồng, xã Chư H'Drong đã nhắc lại câu này của một người
khách từ huyện Đức Cơ ra thành phố ghé quán nước của chị nghỉ ngơi. Chị tiếp
chúng tôi vẻ mặt ngao ngán: "Từ khi có dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 14,
mấy chục hộ gia đình chúng tôi sống quanh đây như bị đày đọa. Mặt đường bị cày
xới xuống thấp , nhà tôi phải chui qua đường ống cáp quang mới có thể lên nhà,
mùa nắng bụi bặm, mùa mưa thì đất sình lầy, không mua bán gì được". Theo chân
chị Vị vào nhà, chúng tôi phải chui qua đường ống cáp mà được đã được đơn vị
thi công, san ủi phục vụ cho dự án. Bên cạnh đó, các hộ dân khác cũng đều có
"cánh cổng đặc biệt" để đi vào nhà. Xung quanh khu vực là những ống
cáp quang vỡ nát, tường nhà đổ, gạch đá lởm chởm. Chị Trần Thị Quỳnh và một số
người dân cho biết thêm, trước khi san ủi mặt đường, cuối năm 2010 Ban dự án
đền bù thành phố Pleiku đã có buổi họp dân, thông báo tình hình giải phóng mặt
bằng, mở rộng lòng đường, phục vụ lợi ích xã hội. Đến tháng 11/2011 thì công trình
bắt đầu thi công, nhưng việc thi công chậm chạp, ì ạch, không đúng như cam kết
với các hộ dân. Nhân dân hai thôn đã kiến nghị ra cuộc gặp mặt cử tri Hội đồng
nhân dân xã, tuy nhiên việc phúc đáp chỉ dừng ở hai từ "chờ đợi".
Việc san ủi mặt đường sâu đến gần 4 mét, mà không tiến hành thi công liên
tục đã khiến cho con đường bị "hành hạ" bởi xe cộ qua lại, mưa dài
ngày ở Gia Lai làm thành hồ chứa nước rộng lớn. Thỉnh thoảng lại có vụ tai nạn
vì đường quá xấu. Không thể chờ đợi bởi công việc buôn bán bị đình trệ, cuộc
sống ngày càng khó khăn, nhiều gia đình đã đóng cửa chuyển đi nơi khác. Hơn 20
hộ dân hai thôn Hàm Rồng và Ia Rốc đã làm đơn kiến nghị lên UBND thành phố
Pleiku chờ được giải quyết. Theo văn bản số 581/UBND nhận được từ UBND thành
phố Pleiku về việc trả lời kiến nghị của nhân dân khu vực Hàm Rồng ban hànhngày
16/3/2012, UBND thành phố đã đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tại
Gia Lai bổ sung hồ sơ thiết kế bậc lên xuống mái taluy khu vực dốc Hàm Rồng để
nhân dân có lối đi và phương án này đã được chấp nhận. Song thời gian cam kết
để hoàn thành đoạn đường qua ngã ba Hàm Rồng chưa đầy 1 km là một câu trả lời
còn bỏ ngỏ? Người dân còn kiến nghị truyền hình địa phương về phản ánh, truyền
hình địa phương đã phát sóng nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Đường hành dân mấy năm nay
Nếu ai đã một lần đi vào đoạn đường Lê Đại Hành dài chưa đầy 5 km thuộc
đường vành đai của tỉnh lộ 672 sẽ có những cảm nhận khó quên về con đường mà ổ
voi nhiều hơn ổ gà. Sau một cơn mưa, những cái ao nhỏ trên đường nhiều như nấm,
các phương tiện đi qua đều phải "bò" thật chậm chạp. Theo phản ánh
của người dân nơi đây, tình trạng này đã diễn ra gần 4 năm nay, khiến người dân
khổ sở muốn chuyển đi cũng khổ, mà ở lại thì phải chịu đựng bụi bặm mùa nắng,
nhớ nhớp mùa mưa. Tháng 6/2010 UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt dự án đầu tư xây
dựng công trình giao thông đường Lê Đại Hành theo quyết định 818/QĐ-UBND, công
trình được thực hiện theo tiêu chuẩn đường đô thị. Tổng mức đầu tư gần 28,5 tỷ
đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, còn 50% thành phố Pleiku tự cân
đối, đồng thời ấn định thời gian thực hiện từ năm 2010 đến hết 2011. Vậy mà, đã
quá nửa năm 2012, con đường "đầy đau khổ" này vẫn phải chống trọi với
những chuyến xe tải nặng nề và những lời than vãn của nhân dân nơi đây. Quan
sát toàn tuyến đường chúng tôi thấy có khá nhiều hộ gia đình treo biển bán nhà,
cùng những cánh cửa luôn đóng kín để tránh bụi bặm.
Ông Nguyện một người dân sống lâu năm ở tuyến đường này cho biết, khi
nghe có đơn vị thi công, người dân phấn khởi vì thoát khỏi cảnh "tai
ương", tai nạn như cơm bữa. Thế mà chỉ làm được mấy tháng mùa nắng, đến
mùa mưa con đường đã vắng bóng nhà thi công, chính vì vậy mà cảnh tượng trên
đường giờ còn tệ hại hơn. Được biết, tuyến đường Lê Đại Hành do công ty TNHH
Hoàng Nhi nhận thầu, hợp đồng ký kết đến quý I, năm 2012 phải hoàn thành, nhưng
đơn vị này mới thi công được một nửa và dừng lại vì không có vốn ?
Nguyện vọng của người dân
Không chỉ có người dân khu vực ngã ba Hàm Rồng, đường Lê Đại Hành mà
nhiều tuyến đường khác trong thành phố Pleiku như đoạn đường Nguyễn Chí Thanh,
Trường Chinh thuộc phường Chi Lăng, Lý Nam Đế thuộc phường Trà Bá đều có nguyện
vọng tha thiết được UBND tỉnh, thành phố quan tâm đến cuộc sống người dân, khỏi
phải đối mặt với những khó khăn đi lại mà những con đường đã, đang thi công gây
khổ sở, cản trở đến sinh hoạt của họ.
Xin chuyển lời của bác Võ Thông, người đã có hơn 30 năm sinh sống tại
thôn Hàm Rồng đến các cơ quan chức năng: "Tôi mong mỏi con đường sớm hoàn
thành để trả lại cuộc sống ổn định cho dân chúng tôi, đồng thời bớt đi những
cảnh tượng tai nạn thương tâm. Tôi già ở đây quen rồi, không muốn chuyển đi đâu
nữa".
DUY HIỂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét