Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

MỘT NGÀY Ở ĐÀ NẴNG

Tác giả: Duy Hiển

Mới 5 giờ 30 phút sáng mà thành phố Đà Nẵng đã nhộn nhịp người đi lại, quán xá cũng mở cửa từ rất sớm. Ở Đà Nẵng một ngày mà thấy nhiều điều mới rất hay và cũng nhiều điều đã cũ nhưng “lạ”.

Tôi đi chuyến xe tối từ Pleiku xuống Đà Nẵng, đang còn ngái ngủ thì đã đến nơi, không vào trung tâm thành phố mà tôi xuống chợ Miếu Bông thuộc quận Cẩm Lệ để đợi bạn đến đón. Nghĩ bụng sẽ có vài chiếc xe ôm ra mời chào, vậy mà “sự mong đợi” đã không xảy ra. Tôi hỏi bạn thì vỡ lẽ, nếu có nhu cầu đi thì người ta chạy, còn không có thì cũng không kỳ kèo.

Thời tiết Đà Nẵng mùa hè thật oi nồng, sáng sớm mà nắng đã kéo đến. Tranh thủ còn dịu mát tôi cùng bạn đi dạo trên xe máy một vòng quanh thành phố để thưởng thức cảnh đẹp. Đà Nẵng đang vào thời kỳ cao điểm của những công trình xây dựng, tuy có bụi nhưng vẫn sạch, rất hiếm thấy rác xuất hiện trên đường phố qua một đêm, và cũng ít thấy những dòng chữ quảng cáo viết trộm trên tường.

Ghé một quán mì Quảng trên đường Nguyễn Tri Phương ăn sáng, tô mì có vị ngọt và đậm đúng chất của người Quảng, giá cả cũng thật bình dân với 14.000 đồng/tô. Sau đó, anh bạn chở tôi đến một quán cà phê có cái tên rất bình dị- Long, nằm ở ngã tư đường Quang Trung và Lê Lợi, quán được bài trí đơn giản nhưng sang trọng. Nếu so sánh chất lượng với cà phê của xứ Pleiku mình thì thật khập khiễng nhưng về sự thu hút khách thì khó có thể sánh bằng, cộng thêm giá cả hợp lý đến mức khó tin, nếu không nghĩ rằng ta đang ở một thành phố du lịch. Vậy là bữa sáng, cà phê với vài điếu thuốc ngựa trắng của hai người ở Đà Nẵng chưa đến 50.000 đồng.

Buổi chiều, hóng mát bạn đưa tôi ra đường Bạch Đằng ngắm cầu sông Hàn mà lâu nay tôi vẫn nghe nói đó là niềm tự hào của người Đà Nẵng. Uống ly nước mát hòa mình vào làn gió từ dòng sông thổi vào xua tan đi cái nóng nực ngày hè. Thường thì ở Pleiku, khi đi uống nước ở những quán cóc vỉa hè, tôi hay mang theo vài ngàn đồng tiền lẻ để cho người ăn xin, hôm nay ở đây lại khác. Nạn ăn xin đang gây nhức nhối cho một số thành phố đã không còn xuất hiện ở Đà Nẵng nhờ những chính sách hết sức linh hoạt của chính quyền thành phố. Điều này càng làm tăng thêm vẻ đẹp vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố ven biển này.
Bên bờ sông Hàn về đêm
Lang thang ra bãi biển Mỹ Khê gặp cơ man nào là người tắm biển, thỉnh thoảng gặp một vài anh Công an, cứu hộ viên nhằm giữ trật tự và bảo đảm tính mạng cho người tắm biển. Lâu lâu lại nghe tiếng loa phát thanh cảnh báo về việc tắm biển lạc mất trẻ em.

Đêm, đứng trên cầu sông Hàn ngắm cảnh đẹp hiền hòa, thơ mộng, tôi chụp lại vài tấm ảnh để làm kỷ niệm, mặc cho thời gian càng lúc càng về khuya người đi người lại vẫn tấp nập. Tôi lại theo bạn về chợ Cồn, nơi hoạt động chợ đêm như ở gần Trung tâm Thương mại của Pleiku, vẫn là những cảnh người mua người bán quen thuộc nhưng sự nhộn nhịp thì khác, có lẽ do dân số, cũng như đời sống của họ có vài điểm khác ta.

Trở về khách sạn để chuẩn bị cho ngày mai đến nơi mới, tôi vẫn không khỏi băn khoăn cho một vài câu hỏi về sự so sánh Pleiku ta và Đà Nẵng. Rõ ràng, Đà Nẵng hơn ta về mặt kinh tế, vậy mà sao mức sống, giá cả của họ dễ chịu đến vậy? Đà Nẵng vẫn liên tục xây dựng, quy hoạch, cũng bụi bặm, cũng nhộn nhịp những người, vậy mà thành phố họ vẫn ít rác...

Có lẽ ta cần nhìn lại chính mình...?


Gian khó có thầy cô


"Có những ngày mưa nước lên cao các thầy cô ở xa không đi xe qua đập tràn được, chúng tôi phải bố trí các thầy cô ở lại dạy thay, đồng thời tổ chức nấu cơm ăn tại trường, vài ba ngày nước rút mới có thể thay người khác" Thầy Kpă Thiu hiệu phó trường Tiểu học IaRsai - KrongPa – Gia Lai chia sẻ.
        BÌNH YÊN MÙA NẮNG
Ngày nào cũng vậy, sáu giờ sáng thầy giáo trẻ Nguyễn Hoàng Huy xuất phát ra khỏi khu tập thể đến trường. Hành trang mang theo ngoài giáo án, sách vở còn có gói mì tôm hoặc vài chiếc bánh ngọt trong chiếc cặp sách nhỏ gọn. Con đường đất vào trường thật ngoằn ngoèo. Đoạn gần nhất đi từ đường nhựa đến trường cũng mất gần 3 km, song phải qua một con suối rộng gần trăm mét. Ở thời điểm này vào mùa khô cũng là lúc thuận lợi cho việc đi lại của học sinh và thầy cô. Điểm trường chính cách chỗ tập thể thầy Huy ở hơn năm cây số nếu đi qua hai đập tràn, mùa khô nước rút trông nó như hai chiếc cầu ngang qua suối. Thầy Huy cho hay: "Tôi phải đi thật sớm để đi ngang qua các gia đình rồi gọi các em học sinh đi học, nếu muộn các em theo gia đình lên rẫy hết. Chỉ cần gọi một vài em thì các em gần nhà sẽ bảo nhau đến lớp".
Đường đến trường phải đi qua một con suối (thời điểm này là mùa khô)
Ngoài công việc chuyên môn dạy học các thầy cô nơi đây còn thêm nhiệm vụ vận động học sinh đến trường, mà nếu thiếu điều này cũng như sự kiên nhẫn của các thầy cô thì nhiều em học sinh đã không thể thường xuyên đến trường bởi một lẽ, cái ăn đối với các em chưa đủ thì nghĩ gì đến chuyện học hành. Đa số các em học sinh nghỉ học đều có những lý do mà nếu tìm hiểu kỹ đều thấy thật chính đáng. Các em lớn có thể làm những công việc nhẹ lo giúp bố mẹ nấu cơm hoặc đi làm thuê cho các hộ gia đình có điều kiện hơn, mặc dù số tiền kiếm được chỉ 30.000 – 40.000 đ, nhưng đấy là số tiền mà các gia đình nghèo đều mong mỏi. Các em nhỏ thì phải theo bố mẹ lên nương rẫy nếu đi học thì sẽ không có ai nấu cơm cho các em ăn dù một ngày có gia đình chỉ ăn hai bữa cơm...
Để được những con số 95% - 99% tỷ lệ học sinh tham gia học tập là một sự cố gắng nỗ lực không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Song không phải lúc nào việc vận động học sinh ra trường, ra lớp cũng suôn sẻ mà nhiều "sự cố" xảy ra như về đường đi lại các gia đình đến trường, thời tiết khí hậu bất thường, bất đồng ngôn ngữ giữa thầy cô giáo với cha mẹ học sinh, vật chất đảm bảo cho học tập còn thiếu thốn và còn rất nhiều nguyên nhân gây cản trở khác. Khi chúng tôi hỏi những ngày Tết vừa qua em làm gì, Kpă Pao lớp 3C hồn nhiên đáp: "Cháu theo bố mẹ lên rẫy". Và lúc nhận được suất học bổng trị giá hai trăm nghìn đồng em nói sẽ đưa mẹ để mua gạo cho cả nhà.
LO LẮNG MÙA MƯA
Mùa mưa ở Tây Nguyên trải dài từ tháng 5 đến tháng 11, mưa rả rích suốt ngày, thỉnh thoảng mới có vài ngày hửng nắng. Thầy Kpă Thiu, hiệu phó nhà trường, người có gần 20 năm gắn bó với ngôi trường này chia sẻ: "Có những ngày mưa nước lên cao các thầy cô ở xa không đi xe qua đập tràn được, chúng tôi phải bố trí các thầy cô ở lại dạy thay, đồng thời tổ chức nấu cơm ăn tại trường, vài ba ngày nước rút mới có thay người khác". Được biết, trường Tiểu học Ia Rsai có đến 10 điểm trường, nơi xa nhất cách trường chính đến 13 km, nhiều đoạn đường chỉ có đi bộ mới đến được.
Lớp học của các em học sinh Ia Rsai
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng việc vận động học sinh vẫn diễn ra đều đặn, sỉ số lớp có thời điểm hàng tháng không vắng một em học sinh nào. Việc trao đổi nghiệp vụ, bài giảng được thầy cô vận dụng hết sức linh hoạt, tại điểm chính, điểm lẻ hoặc khu tập thể giáo viên, nhờ đó mà chất lượng lên lớp vẫn đảm bảo. Điều băn khoăn nhất mà Thầy Chu Sĩ Lin, hiệu trưởng nhà trường trao đổi, đó là vật chất phục vụ cho các em học tập, những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu ăn, ở, mang mặc đều hết sức khó khăn. Chính vì thế mà có sự quan tâm của chính quyền địa phương, cấp trên. Một vài tổ chức từ thiện cũng đã giúp đỡ nhà trường về vật chất, tài liệu học tập cho các em học sinh, song nhu cầu đó vẫn chỉ là số ít. 90% học sinh ở nhà trường là đồng bào dân tộc thiểu số thì có đến 70% các em gia đình thuộc diện nghèo, nên khuyến khích các em đi học là một nhiệm vụ vất vả của các thầy cô giáo.
Hai ngày ở Ia Rsai là hai ngày chúng tôi được trải nghiệm với thực tại nơi đây. Nó bình yên quá đỗi bởi những ngôi nhà lụp xụp thưa thớt, cuộc sống người dân trôi đi thật chậm chạp và bình yên bởi tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ nhưng cũng mang đầy xót xa khi cái nghèo đói cứ mãi đeo đẳng.
                                                                     DUY HIỂN