Những trang viết có số phận kì lạ của một nữ liệt sĩ 27
tuổi Đặng Thùy Trâm vẫn cứ in đậm trong tâm trí tôi kể từ ngày rời mái trường
đại học nhận cương vị công tác mới. Thầm nghĩ sẽ có một ngày về nơi đã chứng
kiến bao viễn cảnh đau thương của chiến tranh song vẫn bừng lên tinh thần thép
của người cộng sản, nơi viết lên "cổ tích Đặng Thùy Trâm" bằng chính
những người phụ nữ Việt Nam
anh hùng.
ĐỨC PHỔ HÔM NAY
Đã không còn những vết tích chiến tranh, không còn những hình ảnh tiêu điều của vùng đất in hằn dấu tích bom đạn, những ngôi nhà hoang sơ, rách nát, giờ đây đã thay đổi bằng khuôn mặt khởi sắc. Dọc hai bên quốc lộ 1 trên địa phận Đức Phổ là những ngôi nhà ngói mới san sát, những ruộng mía dài hun hút, cánh đồng lúa bát ngát một màu xanh của sự sung túc. Có thể cảm nhận sự thay đổi qua nét mặt trẻ thơ, thanh niên chị em phụ nữ, những cụ già đã đi qua hai cuộc chiến tranh. Duy chỉ có tình cảm con người là nguyên vẹn. Vẫn "vẫn đôi mắt long lanh", "nụ cười thân thiện", vẫn "tình yêu thương đã chắp cánh dài cho ta". Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi được đón tiếp bằng tình cảm ân tình. "Vui biết bao khi những người trên mảnh đất Đức Phổ coi mình như người cùng quê họ, chung với họ cả niềm vui cả niềm tự hào của mảnh đất anh hùng ấy", như chị Trâm đã viết. Đồng chí chủ tịch UBND huyện Lê Văn Mùi hân hoan với chúng tôi: "Quê hương tôi luôn chào đón các bạn, có dịp về Đức Phổ là các bạn như về chính ngôi nhà của mình". Và những tình cảm thiêng liêng cao đẹp đã vun đắp cho một công trình được mang tên Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.
Tượng đài trước cổng bệnh xá
NƠI NGỌN LỬA VẪN RỰC CHÁY
|
Ấn tượng khi
đặt chân đến bệnh xá là tượng đài anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm dựng
ngay trong khuôn viên bệnh xá, được chế tác từ khối đá garanit xám cao ba mét,
nặng sáu tấn. Bức tượng đã thể hiện rõ về một cán bộ y tế trong chiến tranh qua
cách ăn mặc giản dị, duyên dáng với chiếc nón lá trên đầu, dũng cảm vượt khó
qua bước đi với đôi dép cao su như bao con người khác thời kì ấy. Điểm nhấn và
cũng là chi tiết quan trọng nhất toát lên chí khí, nghị lực nghề nghiệp chính
là chiếc túi ngành y chị đeo bên mình, chi tiết khiến chúng ta khi nhìn thấy
đều xúc động lien tưởng đến những gì chị đã "tâm sự với chính mình"
về vùng đất lửa Đức Phổ. Xung quanh bệnh xá những cây cau đang hiên ngang với
một sức sống kì diệu ở vùng đất miền Trung đầy nắng gió. Điều đặc biệt mà người
xem dễ dàng nhận thấy kiểu kiến trúc của bệnh xá, một bên là lịch sử (phòng
trưng bày các hiện vật), một bên là hiện tại (các phòng điều trị bệnh nhân).
Không gian trưng bày được bố trí bài bản với các hình ảnh về bác sĩ Trâm, những
câu nói bất tử, những hoạt động của các lãnh đạo trung ương, địa phương với
phong trào "Mãi mãi tuổi hai mươi", quyên góp xây dựng bệnh xá, giúp
người nghèo chữa bệnh…
Từng hình ảnh
đều đi vào tâm trí người xem nhẹ nhàng như những dòng nhật kí thân yêu. Lúc
thắp nén hương, dường như ai cũng cảm thấy thật nhỏ bé trước chị. Nét nghiêng
dòng chữ thư pháp ghi "Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết
chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến
đấu, con cũng một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng
mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc, ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ
không có con đâu, con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc". Chiến
tranh là khốc liệt, thương đau nhưng những con người anh dũng vẫn xả than cho
sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tượng bán thân liệt sĩ Đặng Thùy Trâm |
Cạnh phòng trưng bày các bác sĩ, y tá đang miệt mài làm việc,
vẫn lời nói cử chỉ ân cần như người mẹ hiền, người bạn tâm giao …Những đồng
đội của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hôm nay vẫn "bền gan" với gian
khó phía trước, trăn trở cho những căn bệnh, nỗi đau của bệnh nhân mà từ đó tìm
ra những phương thuốc, cách thức chữa trị hiệu quả để giành lại sức khỏe sự
sống cho mọi người. Họ tự hào không chỉ mang trên mình hai từ "Thầy
thuốc" mà còn tự hào khi làm việc dưới một mái nhà có người đồng đội,
người bạn lớn của họ đang dõi theo từng bước đi, từng việc làm vì sự hạnh phúc
của đồng loại.
Những người viếng thăm bệnh xá đều có chung một cảm nhận về sự hi hi sinh cao
cả của cả dân tộc và những cá nhân như chị Trâm. Anh Nguyễn Trung Hiếu một
khách tham quan quê ở Đan Phượng (Hà Tây) bày tỏ: "Từ khi cuốn nhật kí ra
đời, đọc rồi ngẫm nghĩ, tôi không ngờ rằng đằng sau sự mềm mại, yếu đuối của
một người con gái lại bừng lên ngọn lửa đấu tranh mạnh mẽ đến như vậy. Về bệnh
xá hôm nay lại có cảm giác như ta đang sống trong từng trang viết của chị.
Toàn cảnh bệnh xá |
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày
20.12.2006 tại xã Phổ Cường huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi với số tiền lên đến 7
tỉ đồng để xây dựng bệnh xá, mà chỉ thông qua sự quyên góp của các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước. Điều đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của mỗi con
người Việt Nam
mà còn là lòng ngưỡng mộ sâu sắc với tấm gương anh dũng bất diệt của nữ liệt sĩ
anh hùng. Công trình này đã và đang tác động tích cực đến nhiều mặt xã hội thu
hút đông đảo người hành hương về vùng đất lịch sử để chiêm ngưỡng và học tập
tấm gương của chị cũng như bao liệt sĩ, anh hùng đã hi sinh trên mảnh đất này.
Bệnh xá như một niềm khát vọng, một ngọn lửa vẫn đang rực cháy trong tim ngời
dân xứ Quảng, đang là món quà tinh thần vô giá góp phần tích cực trong công tác
giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước xả thân cống hiến của tuổi
trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Trà đá - Cà phê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét