Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

VỀ ĐÁ CHÔNG THĂM BÁC


Theo quốc lộ 87 từ Sơn Tây về địa danh Đá Chông, chuyến xe đưa chúng tôi về thăm Bác. Sơn Tây những ngày cuối tháng sáu nắng nóng như đổ lửa vậy mà về Đá Chông đất trời như dịu mát lại. Hun hút mắt hai hàng thông ven đường hân hoan chào đón chúng tôi, những người con từ miền Nam ruột thịt đến với Bác.
LỊCH SỬ ĐÁ CHÔNG
Đá Chông cơ man nào cây xanh. Thật không ngờ giữa khu rừng rậm rạp này lại có một công trình kiến trúc quy mô đến như vậy. Chúng tôi cứ băn khoan về câu hỏi, tại sao địa danh này được gọi là Đá Chông. Và rồi câu hỏi đó cũng được giải thích. Chị hướng dẫn viên cho biết, đây là một khu đồi thông yên ả nằm bên bờ hữu ngạn dòng sông Đà. Vào mùa lũ, dòng sông réo ầm ầm, nước sông tràn lên mênh mang như dang rộng vòng tay ôm lấy quả đồi, trên đồi có những mỏm đá lô nhô sắc nhọn như những mũi mác lớn. Có lẽ chính vì vậy mà người dân địa phương gọi là Đá Chông. Và cũng vùng đất hữu tình này đã đẻ ra một trong những huyền thoại đẹp nhất về sức mạnh của con người chế ngự sự hung dữ của thiên nhiên, đó là truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
          Lại nói về lịch sử, tại sao nơi này trở thành một khu di tích “huyền thoại” ? Năm 1956 trong một lần đến thăm sư đoàn B16 đang diễn tập bên sông, dọc đường Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đỉnh đồi. Thấy khí hậu ở đây mát mẻ, địa thế hiểm trở phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung Ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc. Đến năm 1960 các công trình làm việc của khu căn cứ được khởi công và cũng chính ngọn đồi này vinh dự được gìn giữ thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ.



Bây giờ thông vẫn mọc đầy trong khu rừng thưa thoáng xen kẽ với các loại cây gỗ cao tán lá rộng như trò, trám, long não…hiên ngang vươn mình đón gió từ dòng sông thổi vào. Nơi đây thật yên tĩnh, mọi thứ được bài trí gọn gàng ngăn nắp như những gì vốn có của nó. Những người làm việc ở đây cũng thật trầm lặng. Họ vẫn đều đặn ngày ngày chăm sóc vườn cây, ao cá, khu nhà làm việc, nơi Bác ở với một thứ tình cảm lớn lao.
TÌNH CẢM NHỮNG NGƯỜI CON VỚI BÁC
Thắp xong nén hương chúng tôi theo chị hướng dẫn viên để nghe giới thiệu về khu di tích. Thật lạ, ở khu di tích này không có những hướng dẫn viên như các nơi khác, những người làm công việc này đều từ những anh nuôi, cô nấu bếp, cô lao công… là công việc chính của họ. Song vì nhiệm vụ họ thay phiên nhau hướng dẫn qua mỗi đoàn khách tham quan. Chị Lê Thị Uyên cho biết: “Tôi được đơn vị phân công làm nhiệm vụ này được bốn năm, ban đầu hơi lúng túng sau này công việc trở thành niềm vui, “bữa cơm” không thể thiếu cho mỗi nhân viên ở đây”. Có lẽ chính tình cảm của những người con giành cho người cha hộ mới có thể làm tốt công việc như thế.
Cả đoàn chúng tôi đều xúc động khi biết được ý nghĩa của hướng nhà sàn Bác ở, lại nhớ đến tình cảm của Bác về miền Nam ngày còn chưa được giải phóng “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau, đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi”. Cụ Nguyễn Thị Toan quê Thanh Hoá thao anh con trai cả về thăm Bác, đã không dấu nổi những giọt nước mắt. Bà xin phép Bác được nhặt từng viên sỏi trước nhà sàn để cảm nhận thấy Bác như ngày nào.
          Sơn Tây mùa này đã vào giữa hạ song nơi này thật mát mẻ, thanh bình, mọi người đến thăm đều có chung cảm giác thật an lành. Thoắt vậy mà đã hơn ba giờ tham quan, chúng tôi mỗi người đều nhanh nhảu mua một vài vật lưu niệm, để có thể lưu được một chút gì khi đến với Bác. Dường như trong đoàn không ai muốn mình là người bước lên xe ra về đầu tiên. Rồi đây khi về đến gia đình chúng tôi sẽ có những câu chuyện được về thăm Bác, sẽ kể cho con cháu nghe về Bác, được thấm đẫm hơn về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”mà Bác đã từng nhắc nhở mọi người.
                                                                                VŨ DUY

CÓ 200.000 EM SẼ ĐƯA MẸ MUA GẠO


                  "Chúng tôi thật sự cảm động trước tình cảm mà các bạn tình nguyện viên đã mang đến cho học sinh Trường Tiểu học Ia Rsai, thuộc xã Ia Rsai, huyện KrôngPa, tỉnh Gia Lai. Đây sẽ là những món quà đầu xuân ý nghĩa, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu học tập của các em" - thầy Chu Sĩ Lin, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Nhóm PKC - Hội những thanh niên tình nguyện tại Gia Lai trên trang mạng xã hội Facebook một lần tình cờ đọc được thông tin về trường, biết được nỗi khó khăn về quá trình học tập của các em học sinh nơi đây. Họ nảy ra ý tưởng kêu gọi các bạn trong hội cùng những người thân quyên góp vật chất, quần áo, dụng cụ cần thiết cho học tập, sinh hoạt hàng ngày.
 Con đường đất vào trường tiểu học Ia Rsai đầu mùa khô
Từ những ý tưởng đó, Trưởng nhóm Hà Văn Thành đã lên kế hoạch vận động quyên góp với chương trình mang tên "Hướng tới ngày mai", dự định tiến hành về nhà trường ủng hộ vật chất cũng như tiền của quyên góp được vào ngày 29 và 30/01 (nhằm ngày 7, 8/01 Tết Nhâm Thìn).
Việc quyên góp diễn ra khắp nơi trong cả nước. Qua hai tháng vận động quyên góp từ những cán bộ, học sinh sinh viên người Gia Lai ở trong nước. Ban tổ chức đã nhận được 10 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng (cho 10 học sinh nghèo vượt khó) cùng gần 700 bộ quần áo, hơn 200 quyển sách, 1450 quyển vở, 227 bút chì, 192 bút bi, 168 thước, gôm tẩy 155 cái, phấn 3 hộp, bút màu 10 hộp, giấy màu 77 xấp, tranh ảnh dạy học 5 bộ, truyện, bao vở, nhãn vở....
Nhóm trưởng Hà Văn Thành trao học bổng cho các em học sinh
"Những món quà tuy nhỏ nhưng là nghĩa cử đẹp...." - thầy hiệu trưởng xúc động.
Để đến được tận nơi 46 tình nguyện viên phải vượt qua một quảng đường từ thành phố Pleiku về trường gần 130 km với nhiều đoạn đường quanh co, phức tạp, đèo dốc, đường mới làm. Qua con suối vào mùa khô nước đã rút đi nhiều, một thành viên trong nhóm hào hứng: "Lần trước em đi tiền trạm vào mùa mưa, nước lên phải đi vòng qua hai cái đập tràn, đường xa hơn 7 km, lần này có vẻ đỡ vất vả hơn".
Món quà được đem đến đúng địa chỉ. Thầy hiệu trưởng Chu Sĩ Lin niềm nở:"Chúng tôi thật sự cảm động trước tình cảm mà các bạn tình nguyện viên đã mang đến cho học sinh nhà trường. Đây sẽ là những món quà đầu xuân ý nghĩa, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu học tập của các em".

Cắt tóc cho các em học sinh trong giờ nghỉ.
Được biết trường Tiểu học Ia Rsai có tỷ lệ hơn 90% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gia đình các em hết sức khó khăn, vật chất phục vụ học tập chủ yếu từ trợ cấp của nhà nước nên vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Khi được hỏi về suất học bổng trị giá 200 nghìn đồng dành cho học sinh nghèo vượt khó em sẽ làm gì, câu trả lời thật hồn nhiên của em Kpa Páo học sinh lớp 3C làm chúng tôi không khỏi xót xa: "Em sẽ đưa mẹ mua gạo".
Chia tay các em, chia tay một vùng quê nghèo còn nhiều nỗi lo, hình ảnh của những chiếc áo của nhiều em học sinh đang mặc chỉ có một chiếc cúc nơi cổ áo cứ ám ảnh mãi các tình nguyện viên trong đoàn mà khi về đến nhà vẫn còn nhắc nhau lần sau nhớ mang theo nhiều kim chỉ.
                                               Bài, ảnh: ANH ANH


HỌC NHIỀU VẪN GỌI TRÂU LÀ BÒ


Có dịp đến chơi và ăn bữa cơm nhà người bạn ở huyện Kiến An (Hải Phòng), nghe chuyện học tập của đứa con trai lớp một mà tôi phát hoảng. Vợ anh bạn rành rọt kể về thời gian biểu: Từ thứ 2 đến thứ 6 học cả ngày ở trường, buổi tối 19 giờ đến 21 giờ học bài ở nhà. Sáng thứ bảy, chủ nhật học thêm tiếng Anh, chiều thứ bảy học kỹ năng sống.
Chị còn lên kế hoạch ba tháng hè sắp tới cho con học tiếng Anh, học nhạc, học võ, học trước kiến thức để chuẩn bị vào lớp hai. 
Tuy nhiên, việc bắt ép con trẻ học quá nhiều mà không có thời gian để vui chơi, giải trí một cách phù hợp, vô tình làm mất đi nhu cầu khám phá thế giới, không còn cảm xúc tự nhiên. Tôi vẫn nhớ như in một lần chứng kiến đứa trẻ lớp hai cứ gọi con trâu là con bò, bởi ngoài đời cháu chưa bao giờ thấy hai con vật ấy để phân biệt rõ ràng.
Thiết nghĩ, quan tâm đến học tập của con trẻ là việc làm tất yếu của các gia đình, nhưng cần tạo điều kiện cho trẻ có thời gian thư giãn, được nghỉ ngơi, vui chơi những ngày hè có ý nghĩa. Đặc biệt, phải cho các cháu được hòa đồng trong môi trường sống tự nhiên ở quê, để không đến mức khi nhìn thấy con trâu mà vẫn gọi con bò...
                                                                          Duy Anh

NHẬN KHUYẾT ĐIỂM PHẢI CHUYỂN TỪ TÂM



          Tự phê bình và phê bình đã được triển khai, thực hiện rộng rãi trong hệ thống tổ chức Đảng từ trung ương đến địa phương. Đây là một "liều thuốc" hữu hiệu để chữa trị và đẩy lùi những thói hư tật xấu ra khỏi xã hội. Việc phê bình và tự phê bình có được làm nghiêm túc hay không phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người đảng viên và nhất là vai trò của người đứng đầu.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà không phải ai cũng nhận thấy đó là đằng sau tự phê bình và phê bình của một bộ phận cán bộ, đảng viên mục đích nhằm "đối phó" với kiểm tra, với yêu cầu của phải gương mẫu hay "nín thở" chờ bổ nhiệm. Nói cách khác, tự phê bình và phê bình lúc này đã không còn xuất phát từ lương tâm của người đảng viên. Trong quá trình công tác những người này dễ là "hình mẫu" để cho mọi người noi theo, họ đấu tranh rất mạnh mẽ, "làm gương" của sự phê bình, nhắc nhở mọi người nâng cao trách nhiệm nghiêm túc kiểm điểm, nhằm thúc đẩy sự phấn đấu, sửa sai của đảng viên. Họ cũng có sự chuẩn bị chu đáo cho cách làm này. Nhưng khi đã đạt được những mục đích như mong muốn, hoặc lên vị trí nhất định, họ âm thầm làm những việc sai trái, ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, cơ quan. Tất nhiên những việc này chỉ một số bộ phận nhỏ, một nhóm người biết mà "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì được bao che, giúp đỡ.
Tôi đã từng công tác với một đồng chí là phó bí thư của đảng bộ. Anh thường xuyên ý kiến đóng góp cho tổ chức, cho cá nhân và rất thẳng thắn mạnh dạn. Anh cũng nói lên suy nghĩ, góp ý cho cấp trưởng điểm hạn chế là tính gia trưởng và bảo thủ, đã có lúc anh nói gay gắt trước hội nghị những mong bí thư sửa đổi. Đảng viên trong đảng bộ đã ủng hộ ý kiến trên và cho rằng điều đó làm cho Đảng ủy gắn bó, đoàn kết và sự lãnh đạo sẽ chuẩn mực hơn. Vậy mà khi đồng chí bí thư chuyển vị trí công tác mới, đồng chí ấy lên làm cấp trưởng lại trở lại lối mòn tính gia trưởng, bảo thủ như người tiền nhiệm. Nhiều cuộc hội nghị, sinh hoạt học tập chuyên đề, đảng viên đều lồng ý kiến để đóng góp cho thủ trưởng, cách nhận khuyết điểm của anh cũng rất khéo léo. Nhưng khi trở lại công việc những thói quen cách làm ấy vẫn tiếp tục diễn ra. Khi trở về bàn hội nghị thì mọi việc đã đâu vào đấy.
Việc làm này vô hình dung đã tạo ra một sự "giả tạo" trong suy nghĩ của người cán bộ, đảng viên. Ta cứ phê bình và tự phê bình cho mạnh mẽ vào trong buổi sinh hoạt, còn việc làm hay không lại là chuyện khác. Người ta nhìn vào hình mẫu của thủ trưởng của mình có làm tốt hay không việc tự phê bình và kiểm điểm để mà làm theo. Thậm chí có những kẻ cơ hội sẵn sàng soi mói lấy khuyết điểm của nhau ra mà so sánh, bới móc. Điều này làm cho phê bình và tự phê bình vẫn chỉ  quẩn quanh chuyện hình thức. Thế cho nên nhiều cơ quan, đơn vị thỉnh thoảng vẫn có những câu nhận xét như "Cơ quan chúng ta đảng viên đông nhưng không mạnh", "đảng viên dám nói nhưng chưa dám làm"... Những câu nhận xét chung chung, "không chết ai" đã làm "chết" những ý kiến tâm huyết cho Đảng, làm xuất hiện thói "trung bình chủ nghĩa", "dĩ hòa vi quý" là thượng sách; ý kiến cho mối quan hệ được hài hòa, không mất lòng ai hay ý kiến lọt tai nhưng chỉ phục vụ cho quá trình thăng quan tiến chức.
Thiết nghĩ tự phê bình và phê bình là việc làm không mới, nhưng tính cấp thiết vẫn luôn luôn song hành cùng với sự phát triển vững mạnh của Đảng, vì chỉ có tự phê bình và phê bình mới làm cho chi bộ mạnh, đảng viên tốt. Song việc làm này cần nhất là cái tâm của người phê bình cũng như người dám nhận khuyết điểm, sửa sai, dám làm vì tinh thần của người cộng sản, vì sự tiến bộ của đồng chí, đồng đội, không vì tích ích kỷ đố kỵ lẫn nhau hay vun vén lợi ích cá nhân.
     VŨ DUY

TƯ DUY CỦA "TRÍ THỨC"



Bài viết Phía sau câu chuyện “trí thức nhân dân” của tác giả Nguyễn Văn Minh đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 20/2 cho thấy một thực tế, phản biện xã hội đang ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đã phần nào giúp cho Đảng, Nhà nước, xã hội nhìn nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót còn tồn tại mà tìm cách khắc phục triệt để.
Tuy nhiên, đằng sau những sự phản biện xã hội mang tính tích cực, nhiều kẻ tự mang danh cho mình cái mác "trí thức" để lên tiếng phản ánh, xuyên tạc những vấn đề thuộc về quốc gia, dân tộc hay cá nhân mà có khi chính họ chưa từng bước chân vào những lĩnh vực như vậy. Có kẻ lập luận: Thuộc tính đầu tiên của trí thức là lòng dũng cảm hay trí thức phải có tư duy độc lập ? Những câu nói dường như xuất phát từ cách nhìn phiến diện, giống như ai đó đã ví von "góc nhìn từ bốn bức tường để suy diễn thực tiễn xã hội". Và rồi lôi kéo người đọc làm theo những ý đồ cá nhân của mình...
Trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước, không chỉ Việt Nam mà mỗi quốc gia trên thế giới đều rất cần có trí thức . Không phải tự nhiên họ được gọi là trí thức mà phải trải qua quá trình học tập, tu dưỡng, trau dồi đạo đức, kiểm nghiệm thực tiễn và cộng thêm tố chất của mỗi người. Lòng dũng cảm cũng như vậy, được rèn luyện trong môi trường, hoàn cảnh xã hội, được xã hội thừa nhận. Còn tố chất, tư duy của cá nhân có khi có sự vượt trước, sáng tạo, được khoa học thừa nhận nhưng đều phải nằm trong một trật tự xã hội, một xã hội pháp quyền đều phải có quy chuẩn điều này. Có nghĩa là những hành động dũng cảm, dám đấu tranh vì lẽ phải sẽ được xã hội thừa nhận nếu hoàn toàn phù hợp với hiến pháp và pháp luật của từng quốc gia, dân tộc. Cá nhân không thể tự phong cho mình là trí thức hay nhà bác học nếu như không có "giá trị sản phẩm" mà mình làm ra, theo Giáo sư Ngô Bảo Châu cái này không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Rõ ràng, trong bất cứ lúc nào Con người đều là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội.
Thực chất của những lời lẽ biện minh trên mạng, thậm chí có một số tờ báo nước ngoài tiếp tay các "trí thức dỏm" đã phản ánh không đúng vấn đề của đất nước, nhằm hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Mỗi người khi tiếp nhận những lời lẽ này cần có cái nhìn thận trọng, đúng đắn, tránh để kẻ xấu lợi dụng lòng tin của mà gây chia rẽ trong nhân dân.
VŨ DUY

ĐẨY LÙI VẤN NẠN ĂN XIN



Sau Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum là địa phương thứ ba từ tháng 5 cấm các đối tượng hoạt động xin ăn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đợt cao điểm công tác vận động, tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin có liên quan đến đối tượng lang thang xin ăn, kể cả trẻ em không nơi nương tựa, người mắc bệnh tâm thần (đi lang thang) trên địa bàn thành phố và những đối tượng từ nơi khác đến. Người phát hiện báo kịp thời những thông tin cụ thể, chính xác về đối tượng lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố sẽ được thưởng 100.000 đồng.
Việc làm này tuy không mới nhưng là một biện pháp khá hữu hiệu để đẩy lùi vấn nạn ăn xin ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Hiện tượng ăn xin lâu nay đã trở thành bài toán nan giản với các địa phương trong cả nước. Mặc dù có những chính sách, giúp đỡ hỗ trợ nhất định, xong lực lượng này vẫn còn hoạt động công khai tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là những khu vực du lịch, đền chùa; tùy theo từng khu vực mà "đội ngũ" ăn xin hoạt động đội lốt dưới các dạng khác nhau, hoặc công khai "xin xỏ". Hình ảnh người ăn xin nhếch nhác, lê lết, nài nỉ khách du lịch để xin tiền đã gây phiền nhiễu, sợ sệt cho du khách và làm giảm đi cái nhìn thiện cảm những nơi họ tham quan.
Mới đây nhất, tại thành phố Đà Nẵng đã ra quân quyết liệt cao điểm tháng 3, 4 để dẹp hẳn nạn ăn xin biến tướng bán hàng rong chèo kéo khách. Trong dịp diễn ra lễ hội Quán Thế Âm hồi tháng 3, tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn của Sở lao động thương binh và xã hội thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 80 người mù đến từ Quảng Nam được lợi dụng đưa đến lễ hội để xin ăn và ngay sau đó số người này đã được đưa lên xe buýt về lại địa phương. Đồng thời, lực lượng này cũng đã xử lý 10 đối tượng bán hương đèn trá hình để chèo kéo khách và đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Ngay sau đó, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam lập tức có văn bản gửi các cấp Hội để phối hợp chấn chỉnh tình trạng trên.
Để ngăn chặn hiệu quả nạn ăn xin nên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những hình ảnh không đẹp mắt, ý kiến phản ánh nhằm "tẩy chay" ăn xin ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Vận động người dân có thể giúp đỡ những người khó khăn thông qua các tổ chức đoàn thể xã hội, hội chữ thập đỏ, hội từ thiện có tổ chức và cá nhân đáng tin cậy. Hạn chế đến mức thấp nhất và chấm dứt cách cho tiền trực tiếp với người ăn xin. Những nơi du lịch, đền chùa, các tuyến phố đặt các biển cấm ăn xin rõ ràng kết hợp với các biển thông báo. Đồng thời có chế tài xử lý quyết liệt từ các địa phương như đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng đối với người tàn tật, người già và trẻ em; trợ cấp khó khăn, tạo việc làm phù hợp cho người ở độ tuổi lao động đảm bảo sức khỏe.
Năm du lịch quốc gia 2012 đã đi được gần nửa chặng đường, nhiều địa điểm du lịch ở Việt Nam đã được thế giới biết đến và công nhận. Song bên cạnh những giá trị của tự nhiên, con người có vai trò hết sức to lớn trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa mà đẩy lùi nạn ăn xin là một trong những việc làm cần thiết.
                                                         DUY DUY

HỌC SINH BỎ HỌC KỲ GIÁP HẠT



          Tại các tỉnh Tây Nguyên, sau Tết Nguyên đán hoặc kỳ giáp hạt, học sinh vắng lớp khá nhiều, nhất là ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa... Những trường học ở khu vực này tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số khá lớn, có nơi lên đến hơn 90% tổng số học sinh của nhà trường. Hằng năm, khi mùa giáp hạt đến, nhiều gia đình nghèo thiếu ăn, cái đói luôn là sự “ngáng trở” trẻ em đến trường... Đa số học sinh nghỉ học đều có chung lý do ở nhà giúp bố mẹ nấu cơm hoặc phải theo bố mẹ lên nương rẫy.
           Để học sinh các trường ở khu vực này đến lớp học tập đầy đủ là một sự cố gắng không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Song, không phải lúc nào việc vận động học sinh tới trường, tới lớp cũng suôn sẻ. Cái khó, một phần do thời tiết khí hậu bất thường, phần vì bất đồng ngôn ngữ giữa thầy, cô giáo với cha mẹ học sinh; vật chất bảo đảm cho học tập còn thiếu thốn, và còn nhiều nguyên nhân gây cản trở khác.
          Vậy nên, tránh tình trạng học sinh nghỉ học, nhất là vào dịp vụ mùa giáp hạt, nhà trường cần tăng cường giáo viên biết tiếng dân tộc, là người địa phương, đến các gia đình, tuyên truyền vận động cha mẹ học sinh cố gắng tạo điều kiện cho trẻ đi học. Cán bộ chính quyền địa phương rà soát các hộ gia đình thuộc diện khó khăn, diện nghèo theo quy định Nhà nước để hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, tránh hiện tượng học sinh bị đói khi đến trường; phối hợp với nhà trường nhằm tuyên truyền vận động học sinh đi học đều, đạt hiệu quả. Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân quan tâm làm công tác từ thiện đối với các trường học, gia đình diện nghèo đói; khen thưởng về vật chất, động viên tinh thần kịp thời các em học sinh có kết quả cao, đi học đều, làm gương cho học sinh khác noi theo, nhằm tạo sự cố gắng đến trường đầy đủ.
                                                                                         Vũ Duy

CON YÊU CÔ ẤY – ĐỒNG NGHIỆP CỦA MẸ



Ngày tôi ngỏ lời yêu cô, cô không nói gì mà chỉ khóc, nước mắt như mưa làm ướt nhẹp vai áo tôi. Bản lĩnh của người đàn ông đã trải qua gần mười năm quân ngũ không làm tôi giữ được nước mắt.
Tôi gọi điện về nhà, không ai nhấc máy, gọi cho mẹ, mẹ nói sẽ đón tôi khi tan học. Bước xuống xe cảm giác thật khó tả, vậy là sau năm năm học tập và rèn luyện tôi đã trở thành một sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Xa xa thấp thoáng có hai người phụ nữ đang chờ ở cổng bến xe. Không khó để nhận ra mẹ tôi và một người phụ nữ. Chào mẹ, quan sát người phụ nữ bên cạnh tôi đoán chắc cũng chạc tuổi chị tôi, chưa biết xưng hô như thế nào, mẹ tôi bảo: "Cô Vân hiệu phó trường tiểu học Chư Rai, cùng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với mẹ". Tôi đỏ mặt vội vàng: "Cháu chào cô". Nhìn tôi trong bộ quân phục mẹ và cô Vân không khỏi trầm trồ, tôi ngượng quá, chẳng biết nói thế nào.
Trở thành Bí thư chi đoàn nơi có gần 100 đoàn viên, tôi phát huy hết khả năng vốn có của mình, nào là văn nghệ, thể thao, kẻ vẽ... Bẵng đi một thời gian, đã đến ngày thành lập đơn vị, bí thư Đoàn cơ sở giao cho tôi một bài hát để giao lưu với đơn vị kết nghĩa.
Thật bất ngờ vì người song ca với tôi không ai khác là cô Vân mà tôi mới gặp hôm nào ở bến xe. Trong trang phục áo dài trông cô như một nữ sinh duyên dáng, nếu tôi không biết cô có lẽ tôi đã xưng hô khác. Khúc hát du dương "Gió hãy nói rằng tôi yêu em, gió hãy nói rằng em yêu anh"  làm tôi cầm tay cô trao nhau lời hát mà quên đi đây là người bạn của mẹ mình.
Rồi công việc đơn vị giao giúp đỡ nhà trường, nói chuyện truyền thống cho các em học sinh, tôi gặp cô nhiều hơn. Không biết từ lúc nào hình ảnh cô cứ "nhảy múa" trong đầu tôi, tôi nhắn tin, gọi điện, gặp cô mà không biết chán. Cô không đẹp nhưng nét duyên đôi mắt, má lúm đồng tiền, cách nói chuyện... Không biết từ lúc nào, tôi không còn gọi cô nữa mà thay bằng cách gọi rất trìu mến Diệu Vân và hay trêu cô là đám mây đẹp khó tính, còn cô gọi tôi là chú ca sĩ bộ đội.
Cô hơn tôi năm tuổi, một giáo viên có chuyên môn tốt, sau năm năm ra trường đã được đề bạt làm hiệu phó. Nhiều chàng trai có ý đến với cô nhưng ái ngại vì hoàn cảnh gia đình, cô phải nuôi em gái đi học và người mẹ bị bệnh đã nhiều năm. Biết được điều này, tôi càng cảm phục cô hơn.
Mẹ cô mất, cô suy sụp nhưng vẫn gắng gượng vượt qua mà nuôi em đến khi tốt nghiệp đại học. Ngày tôi ngỏ lời yêu cô, cô không nói gì mà chỉ khóc, nước mắt như mưa làm ướt nhẹp vai áo tôi. Bản lĩnh của người đàn ông đã trải qua gần mười năm quân ngũ cũng không làm tôi giữ được nước mắt. Tình yêu chân thành của tôi đã thuyết phục được cô, chúng tôi yêu nhau mà không lường trước còn nhiều gian nan phía trước.
Đã mấy năm ra trường mà không thấy tôi đưa bạn gái về nhà, mẹ thúc dục. Tôi chia sẻ: "Con yêu cô Vân mẹ nhé!". Mẹ tôi giẫy nảy: "Không được, con không hiểu tại sao giờ này nó chưa có chồng à, nó hơn con năm tuổi, vả lại nó là bạn mẹ. Mẹ cấm con". Lời nói của mẹ làm tôi chết lặng. Mẹ tôi cũng không giải thích được tại sao cô ấy chưa lấy chồng, song cả gia đình đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Cuộc đời thật nhiều bước ngoặt khó lường, tôi được đơn vị cử đi học hai năm sau đại học vì thành tích cao trong công tác. Tôi cầm quyết định trên tay mà buồn vui xen lẫn. Cô động viên tôi nhiều lắm nhưng ánh mắt không khỏi buồn rầu. Đường công danh của tôi rồi đây sẽ có nhiều thăng tiến, nhưng tôi sợ không giữ được tình yêu cho riêng mình.
Thời gian đi học, tôi không thể nào liên lạc được với cô nữa, thỉnh thoảng mẹ cũng gọi điện động viên tôi học tập, mẹ tưởng như tôi đã thật sự quên lãng người con gái ấy. Về nghỉ Tết tôi tìm cô nhưng hàng xóm cho biết cô đã chuyển đi nơi khác. Tình cờ một buổi chiều, tôi gặp cô mà không tin nổi vào mắt mình, cô ấy đang mang thai. Nhìn thấy tôi cô cố tình tránh mặt, ký ức hiện về, tôi nhớ lại đêm chia tay, lý trí như mách bảo... Tôi theo về tận nhà mặc cho ấy ngăn cản. Cô khóc nhiều lắm, cô mong đứa con sau này sẽ giống tôi nhưng không muốn tôi vì cô mà  phải khổ.
Tôi ôm chặt lấy cô không rời nửa bước. Tôi thầm hứa ngày ra trường sẽ là ngày tôi cưới cô bởi tôi biết "Tôi không thể mất cô thêm lần nữa". Tôi chợt nhớ một lời mà nhà văn nào đó đã từng chia sẻ: "Hạnh phúc có rạn vỡ sẽ có hàn gắn và ai chưa từng trải qua đau thương sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có".
                                                        ANH ANH