Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

CHO EM MỘT NỬA


T/g: Vũ Duy Hiển
Cho em một nửa vần thơ,

Cho em một nửa đợi chờ đêm đêm.
Cho em một nửa môi mềm,
Cho em một nửa nỗi niềm của anh.
Cho em một nửa mong manh
Cho em một nửa an lành riêng anh
Cho em một nửa xuân xanh
Cho em một nửa tim anh trọn đời...
                                      

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

MỘT NGÀY Ở ĐÀ NẴNG

Tác giả: Duy Hiển

Mới 5 giờ 30 phút sáng mà thành phố Đà Nẵng đã nhộn nhịp người đi lại, quán xá cũng mở cửa từ rất sớm. Ở Đà Nẵng một ngày mà thấy nhiều điều mới rất hay và cũng nhiều điều đã cũ nhưng “lạ”.

Tôi đi chuyến xe tối từ Pleiku xuống Đà Nẵng, đang còn ngái ngủ thì đã đến nơi, không vào trung tâm thành phố mà tôi xuống chợ Miếu Bông thuộc quận Cẩm Lệ để đợi bạn đến đón. Nghĩ bụng sẽ có vài chiếc xe ôm ra mời chào, vậy mà “sự mong đợi” đã không xảy ra. Tôi hỏi bạn thì vỡ lẽ, nếu có nhu cầu đi thì người ta chạy, còn không có thì cũng không kỳ kèo.

Thời tiết Đà Nẵng mùa hè thật oi nồng, sáng sớm mà nắng đã kéo đến. Tranh thủ còn dịu mát tôi cùng bạn đi dạo trên xe máy một vòng quanh thành phố để thưởng thức cảnh đẹp. Đà Nẵng đang vào thời kỳ cao điểm của những công trình xây dựng, tuy có bụi nhưng vẫn sạch, rất hiếm thấy rác xuất hiện trên đường phố qua một đêm, và cũng ít thấy những dòng chữ quảng cáo viết trộm trên tường.

Ghé một quán mì Quảng trên đường Nguyễn Tri Phương ăn sáng, tô mì có vị ngọt và đậm đúng chất của người Quảng, giá cả cũng thật bình dân với 14.000 đồng/tô. Sau đó, anh bạn chở tôi đến một quán cà phê có cái tên rất bình dị- Long, nằm ở ngã tư đường Quang Trung và Lê Lợi, quán được bài trí đơn giản nhưng sang trọng. Nếu so sánh chất lượng với cà phê của xứ Pleiku mình thì thật khập khiễng nhưng về sự thu hút khách thì khó có thể sánh bằng, cộng thêm giá cả hợp lý đến mức khó tin, nếu không nghĩ rằng ta đang ở một thành phố du lịch. Vậy là bữa sáng, cà phê với vài điếu thuốc ngựa trắng của hai người ở Đà Nẵng chưa đến 50.000 đồng.

Buổi chiều, hóng mát bạn đưa tôi ra đường Bạch Đằng ngắm cầu sông Hàn mà lâu nay tôi vẫn nghe nói đó là niềm tự hào của người Đà Nẵng. Uống ly nước mát hòa mình vào làn gió từ dòng sông thổi vào xua tan đi cái nóng nực ngày hè. Thường thì ở Pleiku, khi đi uống nước ở những quán cóc vỉa hè, tôi hay mang theo vài ngàn đồng tiền lẻ để cho người ăn xin, hôm nay ở đây lại khác. Nạn ăn xin đang gây nhức nhối cho một số thành phố đã không còn xuất hiện ở Đà Nẵng nhờ những chính sách hết sức linh hoạt của chính quyền thành phố. Điều này càng làm tăng thêm vẻ đẹp vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố ven biển này.
Bên bờ sông Hàn về đêm
Lang thang ra bãi biển Mỹ Khê gặp cơ man nào là người tắm biển, thỉnh thoảng gặp một vài anh Công an, cứu hộ viên nhằm giữ trật tự và bảo đảm tính mạng cho người tắm biển. Lâu lâu lại nghe tiếng loa phát thanh cảnh báo về việc tắm biển lạc mất trẻ em.

Đêm, đứng trên cầu sông Hàn ngắm cảnh đẹp hiền hòa, thơ mộng, tôi chụp lại vài tấm ảnh để làm kỷ niệm, mặc cho thời gian càng lúc càng về khuya người đi người lại vẫn tấp nập. Tôi lại theo bạn về chợ Cồn, nơi hoạt động chợ đêm như ở gần Trung tâm Thương mại của Pleiku, vẫn là những cảnh người mua người bán quen thuộc nhưng sự nhộn nhịp thì khác, có lẽ do dân số, cũng như đời sống của họ có vài điểm khác ta.

Trở về khách sạn để chuẩn bị cho ngày mai đến nơi mới, tôi vẫn không khỏi băn khoăn cho một vài câu hỏi về sự so sánh Pleiku ta và Đà Nẵng. Rõ ràng, Đà Nẵng hơn ta về mặt kinh tế, vậy mà sao mức sống, giá cả của họ dễ chịu đến vậy? Đà Nẵng vẫn liên tục xây dựng, quy hoạch, cũng bụi bặm, cũng nhộn nhịp những người, vậy mà thành phố họ vẫn ít rác...

Có lẽ ta cần nhìn lại chính mình...?


Gian khó có thầy cô


"Có những ngày mưa nước lên cao các thầy cô ở xa không đi xe qua đập tràn được, chúng tôi phải bố trí các thầy cô ở lại dạy thay, đồng thời tổ chức nấu cơm ăn tại trường, vài ba ngày nước rút mới có thể thay người khác" Thầy Kpă Thiu hiệu phó trường Tiểu học IaRsai - KrongPa – Gia Lai chia sẻ.
        BÌNH YÊN MÙA NẮNG
Ngày nào cũng vậy, sáu giờ sáng thầy giáo trẻ Nguyễn Hoàng Huy xuất phát ra khỏi khu tập thể đến trường. Hành trang mang theo ngoài giáo án, sách vở còn có gói mì tôm hoặc vài chiếc bánh ngọt trong chiếc cặp sách nhỏ gọn. Con đường đất vào trường thật ngoằn ngoèo. Đoạn gần nhất đi từ đường nhựa đến trường cũng mất gần 3 km, song phải qua một con suối rộng gần trăm mét. Ở thời điểm này vào mùa khô cũng là lúc thuận lợi cho việc đi lại của học sinh và thầy cô. Điểm trường chính cách chỗ tập thể thầy Huy ở hơn năm cây số nếu đi qua hai đập tràn, mùa khô nước rút trông nó như hai chiếc cầu ngang qua suối. Thầy Huy cho hay: "Tôi phải đi thật sớm để đi ngang qua các gia đình rồi gọi các em học sinh đi học, nếu muộn các em theo gia đình lên rẫy hết. Chỉ cần gọi một vài em thì các em gần nhà sẽ bảo nhau đến lớp".
Đường đến trường phải đi qua một con suối (thời điểm này là mùa khô)
Ngoài công việc chuyên môn dạy học các thầy cô nơi đây còn thêm nhiệm vụ vận động học sinh đến trường, mà nếu thiếu điều này cũng như sự kiên nhẫn của các thầy cô thì nhiều em học sinh đã không thể thường xuyên đến trường bởi một lẽ, cái ăn đối với các em chưa đủ thì nghĩ gì đến chuyện học hành. Đa số các em học sinh nghỉ học đều có những lý do mà nếu tìm hiểu kỹ đều thấy thật chính đáng. Các em lớn có thể làm những công việc nhẹ lo giúp bố mẹ nấu cơm hoặc đi làm thuê cho các hộ gia đình có điều kiện hơn, mặc dù số tiền kiếm được chỉ 30.000 – 40.000 đ, nhưng đấy là số tiền mà các gia đình nghèo đều mong mỏi. Các em nhỏ thì phải theo bố mẹ lên nương rẫy nếu đi học thì sẽ không có ai nấu cơm cho các em ăn dù một ngày có gia đình chỉ ăn hai bữa cơm...
Để được những con số 95% - 99% tỷ lệ học sinh tham gia học tập là một sự cố gắng nỗ lực không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Song không phải lúc nào việc vận động học sinh ra trường, ra lớp cũng suôn sẻ mà nhiều "sự cố" xảy ra như về đường đi lại các gia đình đến trường, thời tiết khí hậu bất thường, bất đồng ngôn ngữ giữa thầy cô giáo với cha mẹ học sinh, vật chất đảm bảo cho học tập còn thiếu thốn và còn rất nhiều nguyên nhân gây cản trở khác. Khi chúng tôi hỏi những ngày Tết vừa qua em làm gì, Kpă Pao lớp 3C hồn nhiên đáp: "Cháu theo bố mẹ lên rẫy". Và lúc nhận được suất học bổng trị giá hai trăm nghìn đồng em nói sẽ đưa mẹ để mua gạo cho cả nhà.
LO LẮNG MÙA MƯA
Mùa mưa ở Tây Nguyên trải dài từ tháng 5 đến tháng 11, mưa rả rích suốt ngày, thỉnh thoảng mới có vài ngày hửng nắng. Thầy Kpă Thiu, hiệu phó nhà trường, người có gần 20 năm gắn bó với ngôi trường này chia sẻ: "Có những ngày mưa nước lên cao các thầy cô ở xa không đi xe qua đập tràn được, chúng tôi phải bố trí các thầy cô ở lại dạy thay, đồng thời tổ chức nấu cơm ăn tại trường, vài ba ngày nước rút mới có thay người khác". Được biết, trường Tiểu học Ia Rsai có đến 10 điểm trường, nơi xa nhất cách trường chính đến 13 km, nhiều đoạn đường chỉ có đi bộ mới đến được.
Lớp học của các em học sinh Ia Rsai
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng việc vận động học sinh vẫn diễn ra đều đặn, sỉ số lớp có thời điểm hàng tháng không vắng một em học sinh nào. Việc trao đổi nghiệp vụ, bài giảng được thầy cô vận dụng hết sức linh hoạt, tại điểm chính, điểm lẻ hoặc khu tập thể giáo viên, nhờ đó mà chất lượng lên lớp vẫn đảm bảo. Điều băn khoăn nhất mà Thầy Chu Sĩ Lin, hiệu trưởng nhà trường trao đổi, đó là vật chất phục vụ cho các em học tập, những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu ăn, ở, mang mặc đều hết sức khó khăn. Chính vì thế mà có sự quan tâm của chính quyền địa phương, cấp trên. Một vài tổ chức từ thiện cũng đã giúp đỡ nhà trường về vật chất, tài liệu học tập cho các em học sinh, song nhu cầu đó vẫn chỉ là số ít. 90% học sinh ở nhà trường là đồng bào dân tộc thiểu số thì có đến 70% các em gia đình thuộc diện nghèo, nên khuyến khích các em đi học là một nhiệm vụ vất vả của các thầy cô giáo.
Hai ngày ở Ia Rsai là hai ngày chúng tôi được trải nghiệm với thực tại nơi đây. Nó bình yên quá đỗi bởi những ngôi nhà lụp xụp thưa thớt, cuộc sống người dân trôi đi thật chậm chạp và bình yên bởi tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ nhưng cũng mang đầy xót xa khi cái nghèo đói cứ mãi đeo đẳng.
                                                                     DUY HIỂN
                                                       

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

THƯƠNG CỤ GIÀ ĂN XIN

Tác giả: Duy Hiển

Về thăm thắng cảnh chùa Hương
Gặp cụ (*) hoạn nạn mà thương đắng lòng.
Con cháu của cụ thật đông,
Mà vẫn bắt cụ ngồi mong xin tiền.
Mắt cụ không còn sáng hiền,
Sức khỏe đã yếu, tuổi gần một trăm.
Vẫn ngồi vái lạy quanh năm,
Du khách thương cảm cho dăm mười nghìn.
Tội nghiệp cụ, kiếp ăn xin,
Hỏi con cháu cụ nhiều tiền được sao ?

     (*)Cụ Cao Thị Thi đã ngoài 90 tuổi vẫn phải ngồi ăn xin ở khu di tích chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) mặc dù có một số con cháu cụ làm việc tại đây.

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

ANH NHỚ EM NHIỀU HƠN

Tác giả: DUY HIỂN

Đã qua ngày thứ ba,
Anh đi xa phố núi.
Còn em ngày ở lại
Lòng nhớ em bùi ngùi.

Đất Hà Thành vào thu,
Ngọt ngào từng giọt nắng,
Bên sân trời khoảng vắng
Anh nhớ em nhiều hơn.



Ôi tình yêu tuyệt vời,
Mang đến anh cuộc sống,
Bấy lâu bị vùi lấp,
Bởi tình yêu phai màu

Anh sẽ về bên em,
Nơi hạnh phúc kết trái,
Những dối gian ở lại,
Cho tình yêu không phai

                          

YÊU XA

Tác giả: H.H

Chẳng rõ lí do nào,
Đưa ta đến với nhau.
Bến bờ yêu thương đó,
Có thể đến được đâu ? 

Ta đã biết là đau, 
Sao vẫn cứ tìm nhau ?
Câu trả lời không có,
Tình yêu chớm úa nhàu.

Anh bảo anh dang dở,
Làm buồn lòng em thôi
Em nước mắt tan vỡ
Đã lỡ yêu anh rồi.

Xin cảm ơn ý trời,
Đưa ta về bến đỗ,
Xa cách trong gian khổ,
Sẽ hạnh phúc bền lâu

TÌNH YÊU

Tác giả: DUY HIỂN

Mấy hôm nay bận rộn, về đến nhà anh lăn ra ngủ ngon lành. Anh cũng không nhớ nổi để liên lạc với cô dù là một tin nhắn. Cô trách anh, cô ngang bướng không thèm điện thoại để hỏi anh đang làm gì ? Cô nghĩ anh đi làm rồi sẽ nhàn rỗi hơn việc học hành của cô.

Hai ngày qua, cô dự định sẽ chia tay anh. Người yêu cô không thể thờ ơ với cô, cô thầm nghĩ. Bấm số điện thoại cô gọi anh... Giọng một người con gái trong trẻo: "Xin lỗi ai vậy ?" Cô tắt máy. 

Tiếng chuông điện thoại cô vang lên, vẫn giọng nói ấy, anh đang nằm phòng hồi sức cấp cứu.

"Anh muốn nghe tiếng em"... Em gái anh nhắn lại cho cô như vậy.

QUÀ SINH NHẬT

Tác giả: DUY HIỂN

Nó hí hửng chuẩn bị quà sinh nhật. Nó đã quyết tâm mua cho nàng chiếc áo lông thú đắt tiền. Nó đang tưởng tượng khung cảnh trao nàng món quà, nàng ôm hôn, nũng nịu nó: "Tình yêu của em thật tuyệt !"

Quả thực người nó yêu không xinh đẹp, không chân dài như những cô gái hay quan tâm đến nó, nhưng nó yêu bởi tình cảm mộc mạc, chân thành.

Nàng mở món quà nó tặng mà mặt buồn rười rười, nàng trách nó vì quá tốn kém. Chợt nàng hỏi nó: "Anh biết hôm nay là ngày gì không ?". Nó cười nhạt: "Ngày sinh nhật em".

Nàng lúi húi mở tủ lấy một chiếc hộp nhỏ được gói gém rất cẩn thận và đưa cho nó. "Chúc mừng sinh nhật bác ...". Tên mẹ nó ghi trên chiếc hộp.
Nó ôm chặt nàng òa khóc.

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

NIỀM TIN

Tác giả: D.A

Em yêu tôi da diết. Em nói: "Nếu không có tôi em không sống nổi". Em quan tâm tôi từng ngày, từng giờ, em ghét ánh mắt tôi nhìn những cô gái khác. Tôi hạnh phúc vô bờ nhưng không bao giờ nói ra.

Tôi bắt gặp em hôn một người đàn ông. Em van xin tôi cho em một cơ hội: "Em còn yêu anh nhiều lắm". Tôi tha thứ. Bạn bè chế diễu tôi: "Đồ gàn dở".

Lần thứ hai tôi thấy em tay trong tay với một người đàn ông. Tôi chia tay em. Vài tháng sau em quay về. Tôi từ chối.

Có lẽ niềm tin trong tôi đã mất.

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

NHỚ PHƯƠNG NAM


Đêm nay Hà Nội vẫn vắng em,
Bởi em ở nơi phương Nam xa lắm
Anh lặng thầm một mình nơi khoảng vắng
Nhớ về em choáng cả tấm hồn

Bao ngày chờ đợi đã gần hơn,
Nhưng thời gian chưa cho ta được nữa,
Anh ước mình chia làm hai nửa
Nửa cho tổ quốc nửa cho em

Đâu rồi, ôi nỗi nhớ dài thêm
Thu Hà Nội đến gần trong mắt biếc
Em bên cạnh hay xa xôi a không biết
Trái tim em có nghĩ về anh ?

Lòng mong đợi an lành đến mùa xuân
Hạnh phúc nhỏ sẽ đơm hoa kết trái
Trái tim cháy bỏng yêu thương gần lại
Tình yêu này mãi thắm đượm màu tương lai 
                                                          

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

VỀ ĐÁ CHÔNG THĂM BÁC


Theo quốc lộ 87 từ Sơn Tây về địa danh Đá Chông, chuyến xe đưa chúng tôi về thăm Bác. Sơn Tây những ngày cuối tháng sáu nắng nóng như đổ lửa vậy mà về Đá Chông đất trời như dịu mát lại. Hun hút mắt hai hàng thông ven đường hân hoan chào đón chúng tôi, những người con từ miền Nam ruột thịt đến với Bác.
LỊCH SỬ ĐÁ CHÔNG
Đá Chông cơ man nào cây xanh. Thật không ngờ giữa khu rừng rậm rạp này lại có một công trình kiến trúc quy mô đến như vậy. Chúng tôi cứ băn khoan về câu hỏi, tại sao địa danh này được gọi là Đá Chông. Và rồi câu hỏi đó cũng được giải thích. Chị hướng dẫn viên cho biết, đây là một khu đồi thông yên ả nằm bên bờ hữu ngạn dòng sông Đà. Vào mùa lũ, dòng sông réo ầm ầm, nước sông tràn lên mênh mang như dang rộng vòng tay ôm lấy quả đồi, trên đồi có những mỏm đá lô nhô sắc nhọn như những mũi mác lớn. Có lẽ chính vì vậy mà người dân địa phương gọi là Đá Chông. Và cũng vùng đất hữu tình này đã đẻ ra một trong những huyền thoại đẹp nhất về sức mạnh của con người chế ngự sự hung dữ của thiên nhiên, đó là truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
          Lại nói về lịch sử, tại sao nơi này trở thành một khu di tích “huyền thoại” ? Năm 1956 trong một lần đến thăm sư đoàn B16 đang diễn tập bên sông, dọc đường Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đỉnh đồi. Thấy khí hậu ở đây mát mẻ, địa thế hiểm trở phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung Ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc. Đến năm 1960 các công trình làm việc của khu căn cứ được khởi công và cũng chính ngọn đồi này vinh dự được gìn giữ thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ.



Bây giờ thông vẫn mọc đầy trong khu rừng thưa thoáng xen kẽ với các loại cây gỗ cao tán lá rộng như trò, trám, long não…hiên ngang vươn mình đón gió từ dòng sông thổi vào. Nơi đây thật yên tĩnh, mọi thứ được bài trí gọn gàng ngăn nắp như những gì vốn có của nó. Những người làm việc ở đây cũng thật trầm lặng. Họ vẫn đều đặn ngày ngày chăm sóc vườn cây, ao cá, khu nhà làm việc, nơi Bác ở với một thứ tình cảm lớn lao.
TÌNH CẢM NHỮNG NGƯỜI CON VỚI BÁC
Thắp xong nén hương chúng tôi theo chị hướng dẫn viên để nghe giới thiệu về khu di tích. Thật lạ, ở khu di tích này không có những hướng dẫn viên như các nơi khác, những người làm công việc này đều từ những anh nuôi, cô nấu bếp, cô lao công… là công việc chính của họ. Song vì nhiệm vụ họ thay phiên nhau hướng dẫn qua mỗi đoàn khách tham quan. Chị Lê Thị Uyên cho biết: “Tôi được đơn vị phân công làm nhiệm vụ này được bốn năm, ban đầu hơi lúng túng sau này công việc trở thành niềm vui, “bữa cơm” không thể thiếu cho mỗi nhân viên ở đây”. Có lẽ chính tình cảm của những người con giành cho người cha hộ mới có thể làm tốt công việc như thế.
Cả đoàn chúng tôi đều xúc động khi biết được ý nghĩa của hướng nhà sàn Bác ở, lại nhớ đến tình cảm của Bác về miền Nam ngày còn chưa được giải phóng “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau, đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi”. Cụ Nguyễn Thị Toan quê Thanh Hoá thao anh con trai cả về thăm Bác, đã không dấu nổi những giọt nước mắt. Bà xin phép Bác được nhặt từng viên sỏi trước nhà sàn để cảm nhận thấy Bác như ngày nào.
          Sơn Tây mùa này đã vào giữa hạ song nơi này thật mát mẻ, thanh bình, mọi người đến thăm đều có chung cảm giác thật an lành. Thoắt vậy mà đã hơn ba giờ tham quan, chúng tôi mỗi người đều nhanh nhảu mua một vài vật lưu niệm, để có thể lưu được một chút gì khi đến với Bác. Dường như trong đoàn không ai muốn mình là người bước lên xe ra về đầu tiên. Rồi đây khi về đến gia đình chúng tôi sẽ có những câu chuyện được về thăm Bác, sẽ kể cho con cháu nghe về Bác, được thấm đẫm hơn về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”mà Bác đã từng nhắc nhở mọi người.
                                                                                VŨ DUY

CÓ 200.000 EM SẼ ĐƯA MẸ MUA GẠO


                  "Chúng tôi thật sự cảm động trước tình cảm mà các bạn tình nguyện viên đã mang đến cho học sinh Trường Tiểu học Ia Rsai, thuộc xã Ia Rsai, huyện KrôngPa, tỉnh Gia Lai. Đây sẽ là những món quà đầu xuân ý nghĩa, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu học tập của các em" - thầy Chu Sĩ Lin, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Nhóm PKC - Hội những thanh niên tình nguyện tại Gia Lai trên trang mạng xã hội Facebook một lần tình cờ đọc được thông tin về trường, biết được nỗi khó khăn về quá trình học tập của các em học sinh nơi đây. Họ nảy ra ý tưởng kêu gọi các bạn trong hội cùng những người thân quyên góp vật chất, quần áo, dụng cụ cần thiết cho học tập, sinh hoạt hàng ngày.
 Con đường đất vào trường tiểu học Ia Rsai đầu mùa khô
Từ những ý tưởng đó, Trưởng nhóm Hà Văn Thành đã lên kế hoạch vận động quyên góp với chương trình mang tên "Hướng tới ngày mai", dự định tiến hành về nhà trường ủng hộ vật chất cũng như tiền của quyên góp được vào ngày 29 và 30/01 (nhằm ngày 7, 8/01 Tết Nhâm Thìn).
Việc quyên góp diễn ra khắp nơi trong cả nước. Qua hai tháng vận động quyên góp từ những cán bộ, học sinh sinh viên người Gia Lai ở trong nước. Ban tổ chức đã nhận được 10 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng (cho 10 học sinh nghèo vượt khó) cùng gần 700 bộ quần áo, hơn 200 quyển sách, 1450 quyển vở, 227 bút chì, 192 bút bi, 168 thước, gôm tẩy 155 cái, phấn 3 hộp, bút màu 10 hộp, giấy màu 77 xấp, tranh ảnh dạy học 5 bộ, truyện, bao vở, nhãn vở....
Nhóm trưởng Hà Văn Thành trao học bổng cho các em học sinh
"Những món quà tuy nhỏ nhưng là nghĩa cử đẹp...." - thầy hiệu trưởng xúc động.
Để đến được tận nơi 46 tình nguyện viên phải vượt qua một quảng đường từ thành phố Pleiku về trường gần 130 km với nhiều đoạn đường quanh co, phức tạp, đèo dốc, đường mới làm. Qua con suối vào mùa khô nước đã rút đi nhiều, một thành viên trong nhóm hào hứng: "Lần trước em đi tiền trạm vào mùa mưa, nước lên phải đi vòng qua hai cái đập tràn, đường xa hơn 7 km, lần này có vẻ đỡ vất vả hơn".
Món quà được đem đến đúng địa chỉ. Thầy hiệu trưởng Chu Sĩ Lin niềm nở:"Chúng tôi thật sự cảm động trước tình cảm mà các bạn tình nguyện viên đã mang đến cho học sinh nhà trường. Đây sẽ là những món quà đầu xuân ý nghĩa, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu học tập của các em".

Cắt tóc cho các em học sinh trong giờ nghỉ.
Được biết trường Tiểu học Ia Rsai có tỷ lệ hơn 90% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gia đình các em hết sức khó khăn, vật chất phục vụ học tập chủ yếu từ trợ cấp của nhà nước nên vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Khi được hỏi về suất học bổng trị giá 200 nghìn đồng dành cho học sinh nghèo vượt khó em sẽ làm gì, câu trả lời thật hồn nhiên của em Kpa Páo học sinh lớp 3C làm chúng tôi không khỏi xót xa: "Em sẽ đưa mẹ mua gạo".
Chia tay các em, chia tay một vùng quê nghèo còn nhiều nỗi lo, hình ảnh của những chiếc áo của nhiều em học sinh đang mặc chỉ có một chiếc cúc nơi cổ áo cứ ám ảnh mãi các tình nguyện viên trong đoàn mà khi về đến nhà vẫn còn nhắc nhau lần sau nhớ mang theo nhiều kim chỉ.
                                               Bài, ảnh: ANH ANH


HỌC NHIỀU VẪN GỌI TRÂU LÀ BÒ


Có dịp đến chơi và ăn bữa cơm nhà người bạn ở huyện Kiến An (Hải Phòng), nghe chuyện học tập của đứa con trai lớp một mà tôi phát hoảng. Vợ anh bạn rành rọt kể về thời gian biểu: Từ thứ 2 đến thứ 6 học cả ngày ở trường, buổi tối 19 giờ đến 21 giờ học bài ở nhà. Sáng thứ bảy, chủ nhật học thêm tiếng Anh, chiều thứ bảy học kỹ năng sống.
Chị còn lên kế hoạch ba tháng hè sắp tới cho con học tiếng Anh, học nhạc, học võ, học trước kiến thức để chuẩn bị vào lớp hai. 
Tuy nhiên, việc bắt ép con trẻ học quá nhiều mà không có thời gian để vui chơi, giải trí một cách phù hợp, vô tình làm mất đi nhu cầu khám phá thế giới, không còn cảm xúc tự nhiên. Tôi vẫn nhớ như in một lần chứng kiến đứa trẻ lớp hai cứ gọi con trâu là con bò, bởi ngoài đời cháu chưa bao giờ thấy hai con vật ấy để phân biệt rõ ràng.
Thiết nghĩ, quan tâm đến học tập của con trẻ là việc làm tất yếu của các gia đình, nhưng cần tạo điều kiện cho trẻ có thời gian thư giãn, được nghỉ ngơi, vui chơi những ngày hè có ý nghĩa. Đặc biệt, phải cho các cháu được hòa đồng trong môi trường sống tự nhiên ở quê, để không đến mức khi nhìn thấy con trâu mà vẫn gọi con bò...
                                                                          Duy Anh

NHẬN KHUYẾT ĐIỂM PHẢI CHUYỂN TỪ TÂM



          Tự phê bình và phê bình đã được triển khai, thực hiện rộng rãi trong hệ thống tổ chức Đảng từ trung ương đến địa phương. Đây là một "liều thuốc" hữu hiệu để chữa trị và đẩy lùi những thói hư tật xấu ra khỏi xã hội. Việc phê bình và tự phê bình có được làm nghiêm túc hay không phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người đảng viên và nhất là vai trò của người đứng đầu.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà không phải ai cũng nhận thấy đó là đằng sau tự phê bình và phê bình của một bộ phận cán bộ, đảng viên mục đích nhằm "đối phó" với kiểm tra, với yêu cầu của phải gương mẫu hay "nín thở" chờ bổ nhiệm. Nói cách khác, tự phê bình và phê bình lúc này đã không còn xuất phát từ lương tâm của người đảng viên. Trong quá trình công tác những người này dễ là "hình mẫu" để cho mọi người noi theo, họ đấu tranh rất mạnh mẽ, "làm gương" của sự phê bình, nhắc nhở mọi người nâng cao trách nhiệm nghiêm túc kiểm điểm, nhằm thúc đẩy sự phấn đấu, sửa sai của đảng viên. Họ cũng có sự chuẩn bị chu đáo cho cách làm này. Nhưng khi đã đạt được những mục đích như mong muốn, hoặc lên vị trí nhất định, họ âm thầm làm những việc sai trái, ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, cơ quan. Tất nhiên những việc này chỉ một số bộ phận nhỏ, một nhóm người biết mà "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì được bao che, giúp đỡ.
Tôi đã từng công tác với một đồng chí là phó bí thư của đảng bộ. Anh thường xuyên ý kiến đóng góp cho tổ chức, cho cá nhân và rất thẳng thắn mạnh dạn. Anh cũng nói lên suy nghĩ, góp ý cho cấp trưởng điểm hạn chế là tính gia trưởng và bảo thủ, đã có lúc anh nói gay gắt trước hội nghị những mong bí thư sửa đổi. Đảng viên trong đảng bộ đã ủng hộ ý kiến trên và cho rằng điều đó làm cho Đảng ủy gắn bó, đoàn kết và sự lãnh đạo sẽ chuẩn mực hơn. Vậy mà khi đồng chí bí thư chuyển vị trí công tác mới, đồng chí ấy lên làm cấp trưởng lại trở lại lối mòn tính gia trưởng, bảo thủ như người tiền nhiệm. Nhiều cuộc hội nghị, sinh hoạt học tập chuyên đề, đảng viên đều lồng ý kiến để đóng góp cho thủ trưởng, cách nhận khuyết điểm của anh cũng rất khéo léo. Nhưng khi trở lại công việc những thói quen cách làm ấy vẫn tiếp tục diễn ra. Khi trở về bàn hội nghị thì mọi việc đã đâu vào đấy.
Việc làm này vô hình dung đã tạo ra một sự "giả tạo" trong suy nghĩ của người cán bộ, đảng viên. Ta cứ phê bình và tự phê bình cho mạnh mẽ vào trong buổi sinh hoạt, còn việc làm hay không lại là chuyện khác. Người ta nhìn vào hình mẫu của thủ trưởng của mình có làm tốt hay không việc tự phê bình và kiểm điểm để mà làm theo. Thậm chí có những kẻ cơ hội sẵn sàng soi mói lấy khuyết điểm của nhau ra mà so sánh, bới móc. Điều này làm cho phê bình và tự phê bình vẫn chỉ  quẩn quanh chuyện hình thức. Thế cho nên nhiều cơ quan, đơn vị thỉnh thoảng vẫn có những câu nhận xét như "Cơ quan chúng ta đảng viên đông nhưng không mạnh", "đảng viên dám nói nhưng chưa dám làm"... Những câu nhận xét chung chung, "không chết ai" đã làm "chết" những ý kiến tâm huyết cho Đảng, làm xuất hiện thói "trung bình chủ nghĩa", "dĩ hòa vi quý" là thượng sách; ý kiến cho mối quan hệ được hài hòa, không mất lòng ai hay ý kiến lọt tai nhưng chỉ phục vụ cho quá trình thăng quan tiến chức.
Thiết nghĩ tự phê bình và phê bình là việc làm không mới, nhưng tính cấp thiết vẫn luôn luôn song hành cùng với sự phát triển vững mạnh của Đảng, vì chỉ có tự phê bình và phê bình mới làm cho chi bộ mạnh, đảng viên tốt. Song việc làm này cần nhất là cái tâm của người phê bình cũng như người dám nhận khuyết điểm, sửa sai, dám làm vì tinh thần của người cộng sản, vì sự tiến bộ của đồng chí, đồng đội, không vì tích ích kỷ đố kỵ lẫn nhau hay vun vén lợi ích cá nhân.
     VŨ DUY

TƯ DUY CỦA "TRÍ THỨC"



Bài viết Phía sau câu chuyện “trí thức nhân dân” của tác giả Nguyễn Văn Minh đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 20/2 cho thấy một thực tế, phản biện xã hội đang ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đã phần nào giúp cho Đảng, Nhà nước, xã hội nhìn nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót còn tồn tại mà tìm cách khắc phục triệt để.
Tuy nhiên, đằng sau những sự phản biện xã hội mang tính tích cực, nhiều kẻ tự mang danh cho mình cái mác "trí thức" để lên tiếng phản ánh, xuyên tạc những vấn đề thuộc về quốc gia, dân tộc hay cá nhân mà có khi chính họ chưa từng bước chân vào những lĩnh vực như vậy. Có kẻ lập luận: Thuộc tính đầu tiên của trí thức là lòng dũng cảm hay trí thức phải có tư duy độc lập ? Những câu nói dường như xuất phát từ cách nhìn phiến diện, giống như ai đó đã ví von "góc nhìn từ bốn bức tường để suy diễn thực tiễn xã hội". Và rồi lôi kéo người đọc làm theo những ý đồ cá nhân của mình...
Trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước, không chỉ Việt Nam mà mỗi quốc gia trên thế giới đều rất cần có trí thức . Không phải tự nhiên họ được gọi là trí thức mà phải trải qua quá trình học tập, tu dưỡng, trau dồi đạo đức, kiểm nghiệm thực tiễn và cộng thêm tố chất của mỗi người. Lòng dũng cảm cũng như vậy, được rèn luyện trong môi trường, hoàn cảnh xã hội, được xã hội thừa nhận. Còn tố chất, tư duy của cá nhân có khi có sự vượt trước, sáng tạo, được khoa học thừa nhận nhưng đều phải nằm trong một trật tự xã hội, một xã hội pháp quyền đều phải có quy chuẩn điều này. Có nghĩa là những hành động dũng cảm, dám đấu tranh vì lẽ phải sẽ được xã hội thừa nhận nếu hoàn toàn phù hợp với hiến pháp và pháp luật của từng quốc gia, dân tộc. Cá nhân không thể tự phong cho mình là trí thức hay nhà bác học nếu như không có "giá trị sản phẩm" mà mình làm ra, theo Giáo sư Ngô Bảo Châu cái này không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Rõ ràng, trong bất cứ lúc nào Con người đều là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội.
Thực chất của những lời lẽ biện minh trên mạng, thậm chí có một số tờ báo nước ngoài tiếp tay các "trí thức dỏm" đã phản ánh không đúng vấn đề của đất nước, nhằm hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Mỗi người khi tiếp nhận những lời lẽ này cần có cái nhìn thận trọng, đúng đắn, tránh để kẻ xấu lợi dụng lòng tin của mà gây chia rẽ trong nhân dân.
VŨ DUY

ĐẨY LÙI VẤN NẠN ĂN XIN



Sau Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum là địa phương thứ ba từ tháng 5 cấm các đối tượng hoạt động xin ăn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đợt cao điểm công tác vận động, tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin có liên quan đến đối tượng lang thang xin ăn, kể cả trẻ em không nơi nương tựa, người mắc bệnh tâm thần (đi lang thang) trên địa bàn thành phố và những đối tượng từ nơi khác đến. Người phát hiện báo kịp thời những thông tin cụ thể, chính xác về đối tượng lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố sẽ được thưởng 100.000 đồng.
Việc làm này tuy không mới nhưng là một biện pháp khá hữu hiệu để đẩy lùi vấn nạn ăn xin ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Hiện tượng ăn xin lâu nay đã trở thành bài toán nan giản với các địa phương trong cả nước. Mặc dù có những chính sách, giúp đỡ hỗ trợ nhất định, xong lực lượng này vẫn còn hoạt động công khai tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là những khu vực du lịch, đền chùa; tùy theo từng khu vực mà "đội ngũ" ăn xin hoạt động đội lốt dưới các dạng khác nhau, hoặc công khai "xin xỏ". Hình ảnh người ăn xin nhếch nhác, lê lết, nài nỉ khách du lịch để xin tiền đã gây phiền nhiễu, sợ sệt cho du khách và làm giảm đi cái nhìn thiện cảm những nơi họ tham quan.
Mới đây nhất, tại thành phố Đà Nẵng đã ra quân quyết liệt cao điểm tháng 3, 4 để dẹp hẳn nạn ăn xin biến tướng bán hàng rong chèo kéo khách. Trong dịp diễn ra lễ hội Quán Thế Âm hồi tháng 3, tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn của Sở lao động thương binh và xã hội thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 80 người mù đến từ Quảng Nam được lợi dụng đưa đến lễ hội để xin ăn và ngay sau đó số người này đã được đưa lên xe buýt về lại địa phương. Đồng thời, lực lượng này cũng đã xử lý 10 đối tượng bán hương đèn trá hình để chèo kéo khách và đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Ngay sau đó, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam lập tức có văn bản gửi các cấp Hội để phối hợp chấn chỉnh tình trạng trên.
Để ngăn chặn hiệu quả nạn ăn xin nên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những hình ảnh không đẹp mắt, ý kiến phản ánh nhằm "tẩy chay" ăn xin ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Vận động người dân có thể giúp đỡ những người khó khăn thông qua các tổ chức đoàn thể xã hội, hội chữ thập đỏ, hội từ thiện có tổ chức và cá nhân đáng tin cậy. Hạn chế đến mức thấp nhất và chấm dứt cách cho tiền trực tiếp với người ăn xin. Những nơi du lịch, đền chùa, các tuyến phố đặt các biển cấm ăn xin rõ ràng kết hợp với các biển thông báo. Đồng thời có chế tài xử lý quyết liệt từ các địa phương như đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng đối với người tàn tật, người già và trẻ em; trợ cấp khó khăn, tạo việc làm phù hợp cho người ở độ tuổi lao động đảm bảo sức khỏe.
Năm du lịch quốc gia 2012 đã đi được gần nửa chặng đường, nhiều địa điểm du lịch ở Việt Nam đã được thế giới biết đến và công nhận. Song bên cạnh những giá trị của tự nhiên, con người có vai trò hết sức to lớn trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa mà đẩy lùi nạn ăn xin là một trong những việc làm cần thiết.
                                                         DUY DUY

HỌC SINH BỎ HỌC KỲ GIÁP HẠT



          Tại các tỉnh Tây Nguyên, sau Tết Nguyên đán hoặc kỳ giáp hạt, học sinh vắng lớp khá nhiều, nhất là ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa... Những trường học ở khu vực này tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số khá lớn, có nơi lên đến hơn 90% tổng số học sinh của nhà trường. Hằng năm, khi mùa giáp hạt đến, nhiều gia đình nghèo thiếu ăn, cái đói luôn là sự “ngáng trở” trẻ em đến trường... Đa số học sinh nghỉ học đều có chung lý do ở nhà giúp bố mẹ nấu cơm hoặc phải theo bố mẹ lên nương rẫy.
           Để học sinh các trường ở khu vực này đến lớp học tập đầy đủ là một sự cố gắng không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Song, không phải lúc nào việc vận động học sinh tới trường, tới lớp cũng suôn sẻ. Cái khó, một phần do thời tiết khí hậu bất thường, phần vì bất đồng ngôn ngữ giữa thầy, cô giáo với cha mẹ học sinh; vật chất bảo đảm cho học tập còn thiếu thốn, và còn nhiều nguyên nhân gây cản trở khác.
          Vậy nên, tránh tình trạng học sinh nghỉ học, nhất là vào dịp vụ mùa giáp hạt, nhà trường cần tăng cường giáo viên biết tiếng dân tộc, là người địa phương, đến các gia đình, tuyên truyền vận động cha mẹ học sinh cố gắng tạo điều kiện cho trẻ đi học. Cán bộ chính quyền địa phương rà soát các hộ gia đình thuộc diện khó khăn, diện nghèo theo quy định Nhà nước để hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, tránh hiện tượng học sinh bị đói khi đến trường; phối hợp với nhà trường nhằm tuyên truyền vận động học sinh đi học đều, đạt hiệu quả. Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân quan tâm làm công tác từ thiện đối với các trường học, gia đình diện nghèo đói; khen thưởng về vật chất, động viên tinh thần kịp thời các em học sinh có kết quả cao, đi học đều, làm gương cho học sinh khác noi theo, nhằm tạo sự cố gắng đến trường đầy đủ.
                                                                                         Vũ Duy

CON YÊU CÔ ẤY – ĐỒNG NGHIỆP CỦA MẸ



Ngày tôi ngỏ lời yêu cô, cô không nói gì mà chỉ khóc, nước mắt như mưa làm ướt nhẹp vai áo tôi. Bản lĩnh của người đàn ông đã trải qua gần mười năm quân ngũ không làm tôi giữ được nước mắt.
Tôi gọi điện về nhà, không ai nhấc máy, gọi cho mẹ, mẹ nói sẽ đón tôi khi tan học. Bước xuống xe cảm giác thật khó tả, vậy là sau năm năm học tập và rèn luyện tôi đã trở thành một sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Xa xa thấp thoáng có hai người phụ nữ đang chờ ở cổng bến xe. Không khó để nhận ra mẹ tôi và một người phụ nữ. Chào mẹ, quan sát người phụ nữ bên cạnh tôi đoán chắc cũng chạc tuổi chị tôi, chưa biết xưng hô như thế nào, mẹ tôi bảo: "Cô Vân hiệu phó trường tiểu học Chư Rai, cùng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với mẹ". Tôi đỏ mặt vội vàng: "Cháu chào cô". Nhìn tôi trong bộ quân phục mẹ và cô Vân không khỏi trầm trồ, tôi ngượng quá, chẳng biết nói thế nào.
Trở thành Bí thư chi đoàn nơi có gần 100 đoàn viên, tôi phát huy hết khả năng vốn có của mình, nào là văn nghệ, thể thao, kẻ vẽ... Bẵng đi một thời gian, đã đến ngày thành lập đơn vị, bí thư Đoàn cơ sở giao cho tôi một bài hát để giao lưu với đơn vị kết nghĩa.
Thật bất ngờ vì người song ca với tôi không ai khác là cô Vân mà tôi mới gặp hôm nào ở bến xe. Trong trang phục áo dài trông cô như một nữ sinh duyên dáng, nếu tôi không biết cô có lẽ tôi đã xưng hô khác. Khúc hát du dương "Gió hãy nói rằng tôi yêu em, gió hãy nói rằng em yêu anh"  làm tôi cầm tay cô trao nhau lời hát mà quên đi đây là người bạn của mẹ mình.
Rồi công việc đơn vị giao giúp đỡ nhà trường, nói chuyện truyền thống cho các em học sinh, tôi gặp cô nhiều hơn. Không biết từ lúc nào hình ảnh cô cứ "nhảy múa" trong đầu tôi, tôi nhắn tin, gọi điện, gặp cô mà không biết chán. Cô không đẹp nhưng nét duyên đôi mắt, má lúm đồng tiền, cách nói chuyện... Không biết từ lúc nào, tôi không còn gọi cô nữa mà thay bằng cách gọi rất trìu mến Diệu Vân và hay trêu cô là đám mây đẹp khó tính, còn cô gọi tôi là chú ca sĩ bộ đội.
Cô hơn tôi năm tuổi, một giáo viên có chuyên môn tốt, sau năm năm ra trường đã được đề bạt làm hiệu phó. Nhiều chàng trai có ý đến với cô nhưng ái ngại vì hoàn cảnh gia đình, cô phải nuôi em gái đi học và người mẹ bị bệnh đã nhiều năm. Biết được điều này, tôi càng cảm phục cô hơn.
Mẹ cô mất, cô suy sụp nhưng vẫn gắng gượng vượt qua mà nuôi em đến khi tốt nghiệp đại học. Ngày tôi ngỏ lời yêu cô, cô không nói gì mà chỉ khóc, nước mắt như mưa làm ướt nhẹp vai áo tôi. Bản lĩnh của người đàn ông đã trải qua gần mười năm quân ngũ cũng không làm tôi giữ được nước mắt. Tình yêu chân thành của tôi đã thuyết phục được cô, chúng tôi yêu nhau mà không lường trước còn nhiều gian nan phía trước.
Đã mấy năm ra trường mà không thấy tôi đưa bạn gái về nhà, mẹ thúc dục. Tôi chia sẻ: "Con yêu cô Vân mẹ nhé!". Mẹ tôi giẫy nảy: "Không được, con không hiểu tại sao giờ này nó chưa có chồng à, nó hơn con năm tuổi, vả lại nó là bạn mẹ. Mẹ cấm con". Lời nói của mẹ làm tôi chết lặng. Mẹ tôi cũng không giải thích được tại sao cô ấy chưa lấy chồng, song cả gia đình đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Cuộc đời thật nhiều bước ngoặt khó lường, tôi được đơn vị cử đi học hai năm sau đại học vì thành tích cao trong công tác. Tôi cầm quyết định trên tay mà buồn vui xen lẫn. Cô động viên tôi nhiều lắm nhưng ánh mắt không khỏi buồn rầu. Đường công danh của tôi rồi đây sẽ có nhiều thăng tiến, nhưng tôi sợ không giữ được tình yêu cho riêng mình.
Thời gian đi học, tôi không thể nào liên lạc được với cô nữa, thỉnh thoảng mẹ cũng gọi điện động viên tôi học tập, mẹ tưởng như tôi đã thật sự quên lãng người con gái ấy. Về nghỉ Tết tôi tìm cô nhưng hàng xóm cho biết cô đã chuyển đi nơi khác. Tình cờ một buổi chiều, tôi gặp cô mà không tin nổi vào mắt mình, cô ấy đang mang thai. Nhìn thấy tôi cô cố tình tránh mặt, ký ức hiện về, tôi nhớ lại đêm chia tay, lý trí như mách bảo... Tôi theo về tận nhà mặc cho ấy ngăn cản. Cô khóc nhiều lắm, cô mong đứa con sau này sẽ giống tôi nhưng không muốn tôi vì cô mà  phải khổ.
Tôi ôm chặt lấy cô không rời nửa bước. Tôi thầm hứa ngày ra trường sẽ là ngày tôi cưới cô bởi tôi biết "Tôi không thể mất cô thêm lần nữa". Tôi chợt nhớ một lời mà nhà văn nào đó đã từng chia sẻ: "Hạnh phúc có rạn vỡ sẽ có hàn gắn và ai chưa từng trải qua đau thương sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có".
                                                        ANH ANH

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

TẶNG NHAU NHỮNG KHOẢNH KHẮC TUỔI THƠ

Hôm qua, một anh trong phòng mình bị sét đánh, luồng điện chạy qua máy tính, qua người, vậy mà vẫn may mắn sảng khoái tiếng cười cùng anh em.
Mưa... ! Ngày thứ hai liên tiếp Hà Nội mưa to và kéo dài. Chiều nay đi thăm bạn ở viện lại thấy cuộc sống như ngắn lại mặc dù mình mới gần ba mươi. Bạn mình cũng chả có bệnh tật gì nghiêm trọng cả, chỉ có vẻ hơi mệt mỏi và cần thời gian tĩnh dưỡng...
Tự nhiên lúc ra về lại thèm được trở về những khoảnh khắc tuổi thơ đến lạ.
Nước bể đục ngàu, chả tắm được lâu, thế là anh em rủ nhau tắm mưa, thú vị, vui và yêu đời đến lạ.
Một anh "xì tin" nói chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm, mình chỉ nghĩ cho vui và lưu giữ một thứ gì đó cho cuộc sống sinh viên già, thế mà loay hoay sao, đã có trên facebook. Ôi sao các anh nhí nhảnh đáng yêu đến thế.
Ngẫm nghĩ thật buồn cười, anh nào ít nhất đã từng chỉ huy cả trăm người, nhiều thì đến bốn năm trăm, thế mà về học cùng nhau, được trải nghiệm ở mái trường chung, mọi thứ đều trở nên nhỏ bé, nhẹ nhàng và thư thái.
Có lẽ chỉ đi học ta mới có thể tặng nhau những khoảnh khắc đang yêu đến thế. Không toan tính, không dự định, tất cả đơn giản vì niềm vui cho nhau...
Một năm trôi qua, thời gian cứ chậm trãi từng bước. Mình cảm giác đã sống chậm lại nhường nào, ít khát khao, ít va chạm với xã hội bên ngoài, nhưng sự trải nghiệm, đối nhân xử thế được tinh tế và khéo léo hơn. Cũng có giây phút giận hờn song lại nhẹ nhàng và ấm áp. Ba mươi tuổi sắp đến, ta vẫn đang từng bước trưởng thành.
Hà Nội vẫn mưa, mưa rả rích trong đêm tối tĩnh mịch. Tiếng sét thỉnh thoảng vẫn rền vang, lóe sáng chớp màu đây đó. Hôm qua, một anh trong phòng mình bị sét đánh, luồng điện chạy qua máy tính, qua người, vậy mà vẫn may mắn sảng khoái tiếng cười cùng anh em.
Ôi sao cuộc sống biết nhìn trước nhìn sau, biết cảm thông với nỗi đau đã mất. Ta cảm ơn vì những điều chân thật, cảm ơn đời trong sự tất bật đã tặng cho ta những khoảnh khắc của tuổi thơ.
               HY VỌNG

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

CẢM ƠN CUỘC SỐNG ĐÃ CHO TA SỐNG


Tản văn của Vũ Duy
Hôm nay mình mới lại viết blog sau một thời gian dài bỏ quên nó. Hình như mỗi lần có sự sẻ chia mình mới nhớ đến, thật là buồn cười... Mình đang cười cho nhiều điều và cũng đang khóc cho sự buồn đau của một số phận. Được sống đủ đầy nhưng trên "đường cày" tri thức vẫn phải quỵ lụy vì "lẽ sống" ở đời.
Lạ thay những thứ đáng lẽ mình phải được hưởng không mua được bằng tiền, thế mà... thậm chí nó làm con người phải theo sự sai khiến để đạt được ước vọng mặc dù trong thâm tâm, lòng tự trọng không cho ta làm điều đó. Rất khó khăn để đưa ra một quyết định, mình có làm hay không rồi vẫn phải đẩy đưa theo tiếng gọi của sự ghê tởm mà lâu nay cứ tưởng phải kính trọng. Một tâm hồn, trái tim ngây thơ, đang bị những sự tính toán nhuốm màu trắng đen. Ai có hiểu cho ta ?
Buổi chiều đi ngang qua những hàng bằng lăng tím biếc nở rộ đón ánh nắng chiều tà ấm áp. Mình lại nhớ có lần đọc được quyển sách nói về sự thủy chung và chân thành của màu tím. Thế mới biết, trong tim ta, suy nghĩ của ta không phải mọi thứ đều có thể hoàn hảo. Sống thật lòng đã khó nhưng sống giả dối còn khổ tâm hơn nhiều.
Ai trong đời đều có lần vấp ngã và trải qua giây phút quý giá cho bài học ở đời. Ta không mong gì hơn ngoài sự tốt đẹp tươi mới của mùa xuân, mùa hè được hưởng sự mát lành, mùa đông là nỗi ấm áp trong tim. Còn mùa cuộc sống là sự sống động chân thành. Được chia sẻ những điều thầm kín với những người bạn chân thành ta cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhõm hơn, vì không phải lúc nào cũng có thể nói được điều này với tâm trạng thoái mái.
Nếu cho ta đi lại những bước đường đã qua ta sẽ không chọn những đoạn đường phẳng lặng mà giả dối. Dẫu có qua chông gai vẫn phải có đôi vai vững chắc, đôi chân cứng rắn và trái tim biết ăn năn. Ta hãy sống không riêng cho ta mà hãy cho bố mẹ, những người thân yêu của ta luôn ngẩng đầu vì ta. Còn những điều xấu xa hãy cho qua như một cơn gió, như một sự méo mó của đời người.
Trí tuệ là điều cần thiết nhưng nên cần có bản lĩnh để biết chịu đựng, biết  làm những điều hay lẽ phải khi ta cần. Viết những điều này hình như một lúc nào đó ta cũng sẽ an ủi cho ta, cho sự la cà cuộc sống đừng nhuốm màu bất hạnh, cho sự an lành luôn nảy nở sinh sôi. Cảm ơn đời, cảm ơn cuộc sống đã cho ta biết sống.
                                                          HY VỌNG

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

LAN MAN NHỮNG SUY TƯ

Bài của Vũ Duy
                 Hà Nội hôm nay lại trở lạnh, những cơn gió yếu ớt của ngày đông còn xót lại nhưng cũng làm tê tái tâm hồn.  Mấy ngày nay mình chẳng muốn viết gì cả, định viết rồi lại thôi. Có chị báo Phụ Nữ đặt bài viết mà lại bị phê bình bài nhạt nhẽo, chưa thuyết phục được bản thân chị nên khó để độc giả đón nhận. Chị nói như vậy mình còn cảm thấy nhẹ nhàng lắm, đọc lại mình thấy còn tệ hại hơn nhưng vẫn nhớ cảm ơn chị nhiều, điều đó làm mình tốt hơn.
           Có lẽ mình còn gượng gạo, tình cảm tâm trạng chưa thực sự thoải mái. Mọi thứ không có gì là dễ dàng cả.
              Mới đầu tối xem tivi lại buồn... Mình chỉ là một cá nhân bé nhỏ của xã hội mà sao thấy bức xúc, đắng cay, mâu thuẫn xã hội đều xót xa bực bội. Đã thử nhiều lần không cần quan tâm, cứ sống ta là ta, đừng nghĩ đến họ nhưng không thể chịu được. Bản tính vốn có là như thế. Trái ngang, bức xúc đều ý kiến, tranh luận...
            Không phải mang trên người hai chữ đảng viên là anh có quyền, hãy nên nhớ đảng viên luôn là những công bộc của nhân dân, của xã hội mà sao người ta cứ đè đầu cưỡi cổ nhau. Vì quyền lợi, chính xác là vì lợi ích cá nhân đã sinh ra nhiều thứ tiêu cực. Tâm lý sinh viên về tỉnh lẻ xin việc đều có chung suy nghĩ bao nhiêu tiền, bao nhiêu triệu để được vào nơi nào đó làm việc, đi đâu người ta cũng nói phải nhớ mang phong bì mới đạt được mục đích. Đến ngay cả học sinh mẫu giáo mà cũng bị nhuốm màu tiêu cực. Thử hỏi có ai không biết tất cả những điều này.
            Tôi biết, các bạn biết và xã hội đều biết, nhưng tại sao năm này, năm khác, hay năm nữa đều không ai chịu nói ra, không ại chịu thừa nhận sức mình có như thế này mình chỉ được hưởng quyền lợi như thế này, để khỏi phải đau đầu, khỏi phải khó khăn, khỏi phải tranh đấu với nhau. Thế cho nên mới sinh ra một xã hội những con người quen nói dối nhau để đạt được mục đích và sâu xa không biết rằng điều này sẽ làm lụi bại con cháu của chúng ta...
            Chỉ vài dòng blog để lan man những tâm sự và trải lòng. Mong muốn ngày ngày xã hội đều phải tốt lên và con người cũng nên quay về sự chân thành

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Chẳng lẽ quan chức nhà mình đều không biết ?

                       Bài của VŨ DUY
                        Ngày nào mở máy tính lướt web cũng có những nỗi bức xúc khó tả. Mình thương cảm cho những con người đang cố gắng không quan tâm đến thời đại để làm việc và tồn tại.
                        Hết vinashine rồi lại đến Tập đoàn Sông Đà có món nợ khó trả. Ngay cả tập đoàn Viettel hùng mạnh như truyền thông vẫn ca ngợi mà lại đi lách luật để trốn thuế hơn nghìn tỉ đồng. Thử hỏi như thế thì ai có thể tin tưởng những tập đoàn kinh tế vực dậy được nền kinh tế của đất nước vốn đã yếu ớt bởi nền tham nhũng tràn lan và sự quản lý yếu kém của nền hành chính công.
                       Truyền hình vừa thông báo, lại có quy định phạt người đội mũ bảo hiểm "dỏm", tại sao vậy nhỉ? Phải nhìn nhận mà phân tích nguyên nhân xem mũ bảo hiểm "dỏm" xuất phát từ đâu ? Rõ ràng phải cần ít nhất hai yếu tố là người sản xuất và người tiêu dùng. Thế mà chỉ phạt người tiêu dùng, còn người sản xuất ? Có phải sợ động chạm đến lợi ích, đặc quyền của một nhóm người nào đó không ? Mới có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm được hơn 5 năm vậy mà đành bế tắc đến phát chán nản, để ai tin vào ai ?
                       Tuy nhiên, trong sự tối tăm đó vẫn thấy một thứ ánh sáng được lan tỏa. Chính quyền Đà Nẵng đã có một biện pháp mạnh mẽ nhằm chấm dứt nạn hối lộ, đó là đuổi khỏi ngành nếu bất cứ công an nào làm nhiệm vụ và nhận hối lộ ... (Đọc bài này: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/483141/Da-Nang-CSGT-nhan-chung-chi-la-%E2%80%9Cve-vuon%E2%80%9D.html )
                       Và hình như đến bây giờ chưa địa phương nào dám mạnh tay như Đà Nẵng ? Tôi chắc chắn rằng nhiều người, nhiều nơi biết điều này xong vì "lợi ích cá nhân" nó đã nuốt hết mọi thứ tình cảm lý trí và sự liêm xỉ....
                       Tôi đã từng đến Đà Nẵng đã từng chứng kiến một cách rất khách quan những gì thấy được trong một ngày (Đọc bài này: http://www.baogialai.com.vn/channel/1763/201107/Mot-ngay-o-da-Nang-2080686/ )
                       Tôi chỉ tin vào sự tiến bộ, đó là suy nghĩ tiến bộ của những người tiến bộ. Hãy bắt đầu một ngày bằng một việc làm ý nghĩa.

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

SỨC SỐNG CỦA BỆNH XÁ MANG TÊN ĐẶNG THÙY TRÂM

Bài của VŨ DUY

Những trang viết có số phận kì lạ của một nữ liệt sĩ 27 tuổi Đặng Thùy Trâm vẫn cứ in đậm trong tâm trí tôi kể từ ngày rời mái trường đại học nhận cương vị công tác mới. Thầm nghĩ sẽ có một ngày về nơi đã chứng kiến bao viễn cảnh đau thương của chiến tranh song vẫn bừng lên tinh thần thép của người cộng sản, nơi viết lên "cổ tích Đặng Thùy Trâm" bằng chính những người phụ nữ Việt Nam anh hùng.
ĐỨC PHỔ HÔM NAY
Đã không còn những vết tích chiến tranh, không còn những hình ảnh tiêu điều của vùng đất in hằn dấu tích bom đạn, những ngôi nhà hoang sơ, rách nát, giờ đây đã thay đổi bằng khuôn mặt khởi sắc. Dọc hai bên quốc lộ 1 trên địa phận Đức Phổ là những ngôi nhà ngói mới san sát, những ruộng mía dài hun hút, cánh đồng lúa bát ngát một màu xanh của sự sung túc. Có thể cảm nhận sự thay đổi qua nét mặt trẻ thơ, thanh niên chị em phụ nữ, những cụ già đã đi qua hai cuộc chiến tranh. Duy chỉ có tình cảm con người là nguyên vẹn. Vẫn "vẫn đôi mắt long lanh", "nụ cười thân thiện", vẫn "tình yêu thương đã chắp cánh dài cho ta". Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi được đón tiếp bằng tình cảm ân tình. "Vui biết bao khi những người trên mảnh đất Đức Phổ coi mình như người cùng quê họ, chung với họ cả niềm vui cả niềm tự hào của mảnh đất anh hùng ấy", như chị Trâm đã viết. Đồng chí chủ tịch UBND huyện Lê Văn Mùi hân hoan với chúng tôi: "Quê hương tôi luôn chào đón các bạn, có dịp về Đức Phổ là các bạn như về chính ngôi nhà của mình". Và những tình cảm thiêng liêng cao đẹp đã vun đắp cho một công trình được mang tên Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. 
Tượng đài trước cổng bệnh xá
NƠI NGỌN LỬA VẪN RỰC CHÁY
         Ấn tượng khi đặt chân đến bệnh xá là tượng đài anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  dựng ngay trong khuôn viên bệnh xá, được chế tác từ khối đá garanit xám cao ba mét, nặng sáu tấn. Bức tượng đã thể hiện rõ về một cán bộ y tế trong chiến tranh qua cách ăn mặc giản dị, duyên dáng với chiếc nón lá trên đầu, dũng cảm vượt khó qua bước đi với đôi dép cao su như bao con người khác thời kì ấy. Điểm nhấn và cũng là chi tiết quan trọng nhất toát lên chí khí, nghị lực nghề nghiệp chính là chiếc túi ngành y chị đeo bên mình, chi tiết khiến chúng ta khi nhìn thấy đều xúc động lien tưởng đến những gì chị đã "tâm sự với chính mình" về vùng đất lửa Đức Phổ. Xung quanh bệnh xá những cây cau đang hiên ngang với một sức sống kì diệu ở vùng đất miền Trung đầy nắng gió. Điều đặc biệt mà người xem dễ dàng nhận thấy kiểu kiến trúc của bệnh xá, một bên là lịch sử (phòng trưng bày các hiện vật), một bên là hiện tại (các phòng điều trị bệnh nhân). Không gian trưng bày được bố trí bài bản với các hình ảnh về bác sĩ Trâm, những câu nói bất tử, những hoạt động của các lãnh đạo trung ương, địa phương với phong trào "Mãi mãi tuổi hai mươi", quyên góp xây dựng bệnh xá, giúp người nghèo chữa bệnh…
         Từng hình ảnh đều đi vào tâm trí người xem nhẹ nhàng như những dòng nhật kí thân yêu. Lúc thắp nén hương, dường như ai cũng cảm thấy thật nhỏ bé trước chị. Nét nghiêng dòng chữ thư pháp ghi "Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu, con cũng một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc, ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu, con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc". Chiến tranh là khốc liệt, thương đau nhưng những con người anh dũng vẫn xả than cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Tượng bán thân liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
          Cạnh phòng trưng bày các bác sĩ, y tá đang miệt mài làm việc, vẫn lời nói cử chỉ ân cần như người mẹ hiền, người bạn tâm giao …Những  đồng đội của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hôm nay vẫn "bền gan"  với gian khó phía trước, trăn trở cho những căn bệnh, nỗi đau của bệnh nhân mà từ đó tìm ra những phương thuốc, cách thức chữa trị hiệu quả để giành lại sức khỏe sự sống cho mọi người. Họ tự hào không chỉ mang trên mình hai từ "Thầy thuốc" mà còn tự hào khi làm việc dưới một mái nhà có người đồng đội, người bạn lớn của họ đang dõi theo từng bước đi, từng việc làm vì sự hạnh phúc của đồng loại.
          Những người viếng thăm bệnh xá đều có chung một cảm nhận về sự hi hi sinh cao cả của cả dân tộc và những cá nhân như chị Trâm. Anh Nguyễn Trung Hiếu một khách tham quan quê ở Đan Phượng (Hà Tây) bày tỏ: "Từ khi cuốn nhật kí ra đời, đọc rồi ngẫm nghĩ, tôi không ngờ rằng đằng sau sự mềm mại, yếu đuối của một người con gái lại bừng lên ngọn lửa đấu tranh mạnh mẽ đến như vậy. Về bệnh xá hôm nay lại có cảm giác như ta đang sống trong từng trang viết của chị.
Toàn cảnh bệnh xá
           Bệnh xá Đặng Thùy Trâm khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 20.12.2006 tại xã Phổ Cường huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi với số tiền lên đến 7 tỉ đồng để xây dựng bệnh xá, mà chỉ thông qua sự quyên góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Điều đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của mỗi con người Việt Nam mà còn là lòng ngưỡng mộ sâu sắc với tấm gương anh dũng bất diệt của nữ liệt sĩ anh hùng. Công trình này đã và đang tác động tích cực đến nhiều mặt xã hội thu hút đông đảo người hành hương về vùng đất lịch sử để chiêm ngưỡng và học tập tấm gương của chị cũng như bao liệt sĩ, anh hùng đã hi sinh trên mảnh đất này. Bệnh xá như một niềm khát vọng, một ngọn lửa vẫn đang rực cháy trong tim ngời dân xứ Quảng, đang là món quà tinh thần vô giá góp phần tích cực trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước xả thân cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
                                                  Trà đá - Cà phê