Tự
phê bình và phê bình đã được triển khai, thực hiện rộng rãi trong hệ thống tổ
chức Đảng từ trung ương đến địa phương. Đây là một "liều thuốc" hữu
hiệu để chữa trị và đẩy lùi những thói hư tật xấu ra khỏi xã hội. Việc phê bình
và tự phê bình có được làm nghiêm túc hay không phụ thuộc rất nhiều vào trách
nhiệm của người đảng viên và nhất là vai trò của người đứng đầu.
Tuy nhiên, có một vấn đề
mà không phải ai cũng nhận thấy đó là đằng sau tự phê bình và phê bình của một
bộ phận cán bộ, đảng viên mục đích nhằm "đối phó" với kiểm tra, với
yêu cầu của phải gương mẫu hay "nín thở" chờ bổ nhiệm. Nói cách khác,
tự phê bình và phê bình lúc này đã không còn xuất phát từ lương tâm của người
đảng viên. Trong quá trình công tác những người này dễ là "hình mẫu"
để cho mọi người noi theo, họ đấu tranh rất mạnh mẽ, "làm gương" của
sự phê bình, nhắc nhở mọi người nâng cao trách nhiệm nghiêm túc kiểm điểm, nhằm
thúc đẩy sự phấn đấu, sửa sai của đảng viên. Họ cũng có sự chuẩn bị chu đáo cho
cách làm này. Nhưng khi đã đạt được những mục đích như mong muốn, hoặc lên vị
trí nhất định, họ âm thầm làm những việc sai trái, ảnh hưởng đến lợi ích của
tập thể, cơ quan. Tất nhiên những việc này chỉ một số bộ phận nhỏ, một nhóm
người biết mà "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì được bao che, giúp đỡ.
Tôi đã từng công tác với
một đồng chí là phó bí thư của đảng bộ. Anh thường xuyên ý kiến đóng góp cho tổ
chức, cho cá nhân và rất thẳng thắn mạnh dạn. Anh cũng nói lên suy nghĩ, góp ý
cho cấp trưởng điểm hạn chế là tính gia trưởng và bảo thủ, đã có lúc anh nói
gay gắt trước hội nghị những mong bí thư sửa đổi. Đảng viên trong đảng bộ đã
ủng hộ ý kiến trên và cho rằng điều đó làm cho Đảng ủy gắn bó, đoàn kết và sự
lãnh đạo sẽ chuẩn mực hơn. Vậy mà khi đồng chí bí thư chuyển vị trí công tác
mới, đồng chí ấy lên làm cấp trưởng lại trở lại lối mòn tính gia trưởng, bảo
thủ như người tiền nhiệm. Nhiều cuộc hội nghị, sinh hoạt học tập chuyên đề,
đảng viên đều lồng ý kiến để đóng góp cho thủ trưởng, cách nhận khuyết điểm của
anh cũng rất khéo léo. Nhưng khi trở lại công việc những thói quen cách làm ấy
vẫn tiếp tục diễn ra. Khi trở về bàn hội nghị thì mọi việc đã đâu vào đấy.
Việc làm này vô hình dung
đã tạo ra một sự "giả tạo" trong suy nghĩ của người cán bộ, đảng viên.
Ta cứ phê bình và tự phê bình cho mạnh mẽ vào trong buổi sinh hoạt, còn việc
làm hay không lại là chuyện khác. Người ta nhìn vào hình mẫu của thủ trưởng của
mình có làm tốt hay không việc tự phê bình và kiểm điểm để mà làm theo. Thậm
chí có những kẻ cơ hội sẵn sàng soi mói lấy khuyết điểm của nhau ra mà so sánh,
bới móc. Điều này làm cho phê bình và tự phê bình vẫn chỉ quẩn quanh chuyện hình thức. Thế cho nên nhiều
cơ quan, đơn vị thỉnh thoảng vẫn có những câu nhận xét như "Cơ quan chúng
ta đảng viên đông nhưng không mạnh", "đảng viên dám nói nhưng chưa
dám làm"... Những câu nhận xét chung chung, "không chết ai" đã
làm "chết" những ý kiến tâm huyết cho Đảng, làm xuất hiện thói "trung
bình chủ nghĩa", "dĩ hòa vi quý" là thượng sách; ý kiến cho mối
quan hệ được hài hòa, không mất lòng ai hay ý kiến lọt tai nhưng chỉ phục vụ
cho quá trình thăng quan tiến chức.
Thiết nghĩ tự phê bình và
phê bình là việc làm không mới, nhưng tính cấp thiết vẫn luôn luôn song hành
cùng với sự phát triển vững mạnh của Đảng, vì chỉ có tự phê bình và phê bình
mới làm cho chi bộ mạnh, đảng viên tốt. Song việc làm này cần nhất là cái tâm
của người phê bình cũng như người dám nhận khuyết điểm, sửa sai, dám làm vì
tinh thần của người cộng sản, vì sự tiến bộ của đồng chí, đồng đội, không vì
tích ích kỷ đố kỵ lẫn nhau hay vun vén lợi ích cá nhân.
VŨ DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét