Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

HỌC SINH BỎ HỌC KỲ GIÁP HẠT



          Tại các tỉnh Tây Nguyên, sau Tết Nguyên đán hoặc kỳ giáp hạt, học sinh vắng lớp khá nhiều, nhất là ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa... Những trường học ở khu vực này tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số khá lớn, có nơi lên đến hơn 90% tổng số học sinh của nhà trường. Hằng năm, khi mùa giáp hạt đến, nhiều gia đình nghèo thiếu ăn, cái đói luôn là sự “ngáng trở” trẻ em đến trường... Đa số học sinh nghỉ học đều có chung lý do ở nhà giúp bố mẹ nấu cơm hoặc phải theo bố mẹ lên nương rẫy.
           Để học sinh các trường ở khu vực này đến lớp học tập đầy đủ là một sự cố gắng không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Song, không phải lúc nào việc vận động học sinh tới trường, tới lớp cũng suôn sẻ. Cái khó, một phần do thời tiết khí hậu bất thường, phần vì bất đồng ngôn ngữ giữa thầy, cô giáo với cha mẹ học sinh; vật chất bảo đảm cho học tập còn thiếu thốn, và còn nhiều nguyên nhân gây cản trở khác.
          Vậy nên, tránh tình trạng học sinh nghỉ học, nhất là vào dịp vụ mùa giáp hạt, nhà trường cần tăng cường giáo viên biết tiếng dân tộc, là người địa phương, đến các gia đình, tuyên truyền vận động cha mẹ học sinh cố gắng tạo điều kiện cho trẻ đi học. Cán bộ chính quyền địa phương rà soát các hộ gia đình thuộc diện khó khăn, diện nghèo theo quy định Nhà nước để hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, tránh hiện tượng học sinh bị đói khi đến trường; phối hợp với nhà trường nhằm tuyên truyền vận động học sinh đi học đều, đạt hiệu quả. Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân quan tâm làm công tác từ thiện đối với các trường học, gia đình diện nghèo đói; khen thưởng về vật chất, động viên tinh thần kịp thời các em học sinh có kết quả cao, đi học đều, làm gương cho học sinh khác noi theo, nhằm tạo sự cố gắng đến trường đầy đủ.
                                                                                         Vũ Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét