Sau Đà Nẵng, Khánh Hòa,
Kon Tum là địa phương thứ ba từ tháng 5 cấm các đối tượng hoạt động xin ăn trên
địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đợt cao điểm công tác vận
động, tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin có liên quan đến đối tượng lang
thang xin ăn, kể cả trẻ em không nơi nương tựa, người mắc bệnh tâm thần (đi
lang thang) trên địa bàn thành phố và những đối tượng từ nơi khác đến. Người
phát hiện báo kịp thời những thông tin cụ thể, chính xác về đối
tượng lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố sẽ được thưởng 100.000
đồng.
Việc làm này tuy không
mới nhưng là một biện pháp khá hữu hiệu để đẩy lùi vấn nạn ăn xin ra khỏi cuộc
sống cộng đồng. Hiện tượng ăn xin lâu nay đã trở thành bài toán nan giản với
các địa phương trong cả nước. Mặc dù có những chính sách, giúp đỡ hỗ trợ nhất
định, xong lực lượng này vẫn còn hoạt động công khai tại nhiều tỉnh thành trong
cả nước, nhất là những khu vực du lịch, đền chùa; tùy theo từng khu vực mà
"đội ngũ" ăn xin hoạt động đội lốt dưới các dạng khác nhau, hoặc công
khai "xin xỏ". Hình ảnh người ăn xin nhếch nhác, lê lết, nài nỉ khách
du lịch để xin tiền đã gây phiền nhiễu, sợ sệt cho du khách và làm giảm đi cái
nhìn thiện cảm những nơi họ tham quan.
Mới đây nhất, tại thành
phố Đà Nẵng đã ra quân quyết liệt cao điểm tháng 3, 4 để dẹp hẳn nạn ăn xin biến tướng bán hàng rong chèo kéo khách. Trong
dịp diễn ra lễ hội Quán Thế Âm hồi tháng 3, tổ xử lý thông tin người lang thang
xin ăn của Sở lao động thương binh và xã hội thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 80
người mù đến từ Quảng Nam được lợi dụng đưa đến lễ hội để xin ăn và ngay sau đó
số người này đã được đưa lên xe buýt về lại địa phương. Đồng thời, lực lượng
này cũng đã xử lý 10 đối tượng bán hương đèn trá hình để chèo kéo khách và đưa
về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Ngay sau đó, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam lập tức có
văn bản gửi các cấp Hội để phối hợp chấn chỉnh tình trạng trên.
Để ngăn chặn hiệu quả nạn
ăn xin nên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những
hình ảnh không đẹp mắt, ý kiến phản ánh nhằm "tẩy chay" ăn xin ra
khỏi cuộc sống cộng đồng. Vận động người dân có thể giúp đỡ những người khó
khăn thông qua các tổ chức đoàn thể xã hội, hội chữ thập đỏ, hội từ thiện có tổ
chức và cá nhân đáng tin cậy. Hạn chế đến mức thấp nhất và chấm dứt cách cho
tiền trực tiếp với người ăn xin. Những nơi du lịch, đền chùa, các tuyến phố đặt
các biển cấm ăn xin rõ ràng kết hợp với các biển thông báo. Đồng thời có chế
tài xử lý quyết liệt từ các địa phương như đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội
để nuôi dưỡng đối với người tàn tật, người già và trẻ em; trợ cấp khó khăn, tạo
việc làm phù hợp cho người ở độ tuổi lao động đảm bảo sức khỏe.
Năm du lịch quốc gia 2012
đã đi được gần nửa chặng đường, nhiều địa điểm du lịch ở Việt Nam đã được thế
giới biết đến và công nhận. Song bên cạnh những giá trị của tự nhiên, con người
có vai trò hết sức to lớn trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa mà đẩy lùi nạn ăn
xin là một trong những việc làm cần thiết.
DUY DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét