Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Gian khó có thầy cô


"Có những ngày mưa nước lên cao các thầy cô ở xa không đi xe qua đập tràn được, chúng tôi phải bố trí các thầy cô ở lại dạy thay, đồng thời tổ chức nấu cơm ăn tại trường, vài ba ngày nước rút mới có thể thay người khác" Thầy Kpă Thiu hiệu phó trường Tiểu học IaRsai - KrongPa – Gia Lai chia sẻ.
        BÌNH YÊN MÙA NẮNG
Ngày nào cũng vậy, sáu giờ sáng thầy giáo trẻ Nguyễn Hoàng Huy xuất phát ra khỏi khu tập thể đến trường. Hành trang mang theo ngoài giáo án, sách vở còn có gói mì tôm hoặc vài chiếc bánh ngọt trong chiếc cặp sách nhỏ gọn. Con đường đất vào trường thật ngoằn ngoèo. Đoạn gần nhất đi từ đường nhựa đến trường cũng mất gần 3 km, song phải qua một con suối rộng gần trăm mét. Ở thời điểm này vào mùa khô cũng là lúc thuận lợi cho việc đi lại của học sinh và thầy cô. Điểm trường chính cách chỗ tập thể thầy Huy ở hơn năm cây số nếu đi qua hai đập tràn, mùa khô nước rút trông nó như hai chiếc cầu ngang qua suối. Thầy Huy cho hay: "Tôi phải đi thật sớm để đi ngang qua các gia đình rồi gọi các em học sinh đi học, nếu muộn các em theo gia đình lên rẫy hết. Chỉ cần gọi một vài em thì các em gần nhà sẽ bảo nhau đến lớp".
Đường đến trường phải đi qua một con suối (thời điểm này là mùa khô)
Ngoài công việc chuyên môn dạy học các thầy cô nơi đây còn thêm nhiệm vụ vận động học sinh đến trường, mà nếu thiếu điều này cũng như sự kiên nhẫn của các thầy cô thì nhiều em học sinh đã không thể thường xuyên đến trường bởi một lẽ, cái ăn đối với các em chưa đủ thì nghĩ gì đến chuyện học hành. Đa số các em học sinh nghỉ học đều có những lý do mà nếu tìm hiểu kỹ đều thấy thật chính đáng. Các em lớn có thể làm những công việc nhẹ lo giúp bố mẹ nấu cơm hoặc đi làm thuê cho các hộ gia đình có điều kiện hơn, mặc dù số tiền kiếm được chỉ 30.000 – 40.000 đ, nhưng đấy là số tiền mà các gia đình nghèo đều mong mỏi. Các em nhỏ thì phải theo bố mẹ lên nương rẫy nếu đi học thì sẽ không có ai nấu cơm cho các em ăn dù một ngày có gia đình chỉ ăn hai bữa cơm...
Để được những con số 95% - 99% tỷ lệ học sinh tham gia học tập là một sự cố gắng nỗ lực không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Song không phải lúc nào việc vận động học sinh ra trường, ra lớp cũng suôn sẻ mà nhiều "sự cố" xảy ra như về đường đi lại các gia đình đến trường, thời tiết khí hậu bất thường, bất đồng ngôn ngữ giữa thầy cô giáo với cha mẹ học sinh, vật chất đảm bảo cho học tập còn thiếu thốn và còn rất nhiều nguyên nhân gây cản trở khác. Khi chúng tôi hỏi những ngày Tết vừa qua em làm gì, Kpă Pao lớp 3C hồn nhiên đáp: "Cháu theo bố mẹ lên rẫy". Và lúc nhận được suất học bổng trị giá hai trăm nghìn đồng em nói sẽ đưa mẹ để mua gạo cho cả nhà.
LO LẮNG MÙA MƯA
Mùa mưa ở Tây Nguyên trải dài từ tháng 5 đến tháng 11, mưa rả rích suốt ngày, thỉnh thoảng mới có vài ngày hửng nắng. Thầy Kpă Thiu, hiệu phó nhà trường, người có gần 20 năm gắn bó với ngôi trường này chia sẻ: "Có những ngày mưa nước lên cao các thầy cô ở xa không đi xe qua đập tràn được, chúng tôi phải bố trí các thầy cô ở lại dạy thay, đồng thời tổ chức nấu cơm ăn tại trường, vài ba ngày nước rút mới có thay người khác". Được biết, trường Tiểu học Ia Rsai có đến 10 điểm trường, nơi xa nhất cách trường chính đến 13 km, nhiều đoạn đường chỉ có đi bộ mới đến được.
Lớp học của các em học sinh Ia Rsai
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng việc vận động học sinh vẫn diễn ra đều đặn, sỉ số lớp có thời điểm hàng tháng không vắng một em học sinh nào. Việc trao đổi nghiệp vụ, bài giảng được thầy cô vận dụng hết sức linh hoạt, tại điểm chính, điểm lẻ hoặc khu tập thể giáo viên, nhờ đó mà chất lượng lên lớp vẫn đảm bảo. Điều băn khoăn nhất mà Thầy Chu Sĩ Lin, hiệu trưởng nhà trường trao đổi, đó là vật chất phục vụ cho các em học tập, những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu ăn, ở, mang mặc đều hết sức khó khăn. Chính vì thế mà có sự quan tâm của chính quyền địa phương, cấp trên. Một vài tổ chức từ thiện cũng đã giúp đỡ nhà trường về vật chất, tài liệu học tập cho các em học sinh, song nhu cầu đó vẫn chỉ là số ít. 90% học sinh ở nhà trường là đồng bào dân tộc thiểu số thì có đến 70% các em gia đình thuộc diện nghèo, nên khuyến khích các em đi học là một nhiệm vụ vất vả của các thầy cô giáo.
Hai ngày ở Ia Rsai là hai ngày chúng tôi được trải nghiệm với thực tại nơi đây. Nó bình yên quá đỗi bởi những ngôi nhà lụp xụp thưa thớt, cuộc sống người dân trôi đi thật chậm chạp và bình yên bởi tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ nhưng cũng mang đầy xót xa khi cái nghèo đói cứ mãi đeo đẳng.
                                                                     DUY HIỂN
                                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét