Theo quốc lộ 87 từ Sơn Tây về địa danh Đá Chông, chuyến xe đưa chúng tôi về thăm Bác. Sơn Tây những ngày cuối tháng sáu nắng nóng như đổ lửa vậy mà về Đá Chông đất trời như dịu mát lại. Hun hút mắt hai hàng thông ven đường hân hoan chào đón chúng tôi, những người con từ miền Nam ruột thịt đến với Bác.
LỊCH SỬ ĐÁ CHÔNG
Đá Chông cơ man nào cây xanh. Thật không ngờ giữa khu rừng rậm rạp này lại có một công trình kiến trúc quy mô đến như vậy. Chúng tôi cứ băn khoan về câu hỏi, tại sao địa danh này được gọi là Đá Chông. Và rồi câu hỏi đó cũng được giải thích. Chị hướng dẫn viên cho biết, đây là một khu đồi thông yên ả nằm bên bờ hữu ngạn dòng sông Đà. Vào mùa lũ, dòng sông réo ầm ầm, nước sông tràn lên mênh mang như dang rộng vòng tay ôm lấy quả đồi, trên đồi có những mỏm đá lô nhô sắc nhọn như những mũi mác lớn. Có lẽ chính vì vậy mà người dân địa phương gọi là Đá Chông. Và cũng vùng đất hữu tình này đã đẻ ra một trong những huyền thoại đẹp nhất về sức mạnh của con người chế ngự sự hung dữ của thiên nhiên, đó là truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Lại nói về lịch sử, tại sao nơi này trở thành một khu di tích “huyền thoại” ? Năm 1956 trong một lần đến thăm sư đoàn B16 đang diễn tập bên sông, dọc đường Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đỉnh đồi. Thấy khí hậu ở đây mát mẻ, địa thế hiểm trở phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung Ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc. Đến năm 1960 các công trình làm việc của khu căn cứ được khởi công và cũng chính ngọn đồi này vinh dự được gìn giữ thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Bây giờ thông vẫn mọc đầy trong khu rừng thưa thoáng xen kẽ với các loại cây gỗ cao tán lá rộng như trò, trám, long não…hiên ngang vươn mình đón gió từ dòng sông thổi vào. Nơi đây thật yên tĩnh, mọi thứ được bài trí gọn gàng ngăn nắp như những gì vốn có của nó. Những người làm việc ở đây cũng thật trầm lặng. Họ vẫn đều đặn ngày ngày chăm sóc vườn cây, ao cá, khu nhà làm việc, nơi Bác ở với một thứ tình cảm lớn lao.
TÌNH CẢM NHỮNG NGƯỜI CON VỚI BÁC
Thắp xong nén hương chúng tôi theo chị hướng dẫn viên để nghe giới thiệu về khu di tích. Thật lạ, ở khu di tích này không có những hướng dẫn viên như các nơi khác, những người làm công việc này đều từ những anh nuôi, cô nấu bếp, cô lao công… là công việc chính của họ. Song vì nhiệm vụ họ thay phiên nhau hướng dẫn qua mỗi đoàn khách tham quan. Chị Lê Thị Uyên cho biết: “Tôi được đơn vị phân công làm nhiệm vụ này được bốn năm, ban đầu hơi lúng túng sau này công việc trở thành niềm vui, “bữa cơm” không thể thiếu cho mỗi nhân viên ở đây”. Có lẽ chính tình cảm của những người con giành cho người cha hộ mới có thể làm tốt công việc như thế.
Cả đoàn chúng tôi đều xúc động khi biết được ý nghĩa của hướng nhà sàn Bác ở, lại nhớ đến tình cảm của Bác về miền Nam ngày còn chưa được giải phóng “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau, đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi”. Cụ Nguyễn Thị Toan quê Thanh Hoá thao anh con trai cả về thăm Bác, đã không dấu nổi những giọt nước mắt. Bà xin phép Bác được nhặt từng viên sỏi trước nhà sàn để cảm nhận thấy Bác như ngày nào.
Sơn Tây mùa này đã vào giữa hạ song nơi này thật mát mẻ, thanh bình, mọi người đến thăm đều có chung cảm giác thật an lành. Thoắt vậy mà đã hơn ba giờ tham quan, chúng tôi mỗi người đều nhanh nhảu mua một vài vật lưu niệm, để có thể lưu được một chút gì khi đến với Bác. Dường như trong đoàn không ai muốn mình là người bước lên xe ra về đầu tiên. Rồi đây khi về đến gia đình chúng tôi sẽ có những câu chuyện được về thăm Bác, sẽ kể cho con cháu nghe về Bác, được thấm đẫm hơn về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”mà Bác đã từng nhắc nhở mọi người.
VŨ DUY