Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Truyện vui: Nàng đỏng đảnh, chàng ga lăng


Hà xinh nhất khoa Ngữ văn, ai cũng biết điều này. Thế mà đến năm cuối đại học cô vẫn chưa có người yêu. Hà quyết tâm chưa yêu ai cho đến khi ra trường. Lý do này của Hà cũng chưa hẳn thuyết phục, đám bạn ở ký túc xá đều quả quyết rằng Hà rất khó chiều, anh chàng nào theo tán tỉnh Hà một thời gian đều không thể chịu nổi kiểu “đỏng đảnh” và hay giận hờn vu vơ. Cô thường tâm sự: “Chàng của tớ sau này phải là người rất ga lăng tớ mới yêu”
Sơn gặp Hà ở một buổi dạ hội. Sơn yêu Hà bao nhiêu thì cô lại ghét anh bấy nhiêu. Cuối tuần rảnh rỗi công việc anh đều đến thăm cô. Vui nhất là các cô cùng phòng vừa được ăn kẹo bánh, vừa được nghe anh chàng “ngô ngố”, chân thành đàn hát, nói chuyện rôm rả.
 Có lần Sơn vừa đến, Hà đã thẳng thừng:
- Tôi không thích gặp anh.
- Anh đến chỉ muốn được nhìn thấy em.
- Anh quê mùa lắm !
Như bị dội gáo nước lạnh, cay cú, Sơn bỏ về.
Một thời gian sau, Sơn trở lại. Anh đầu tư quần áo, giày dép bóng bẩy, đổi mới phong cách để dễ bề gặp nàng. Tránh mặt mãi Hà cũng đành gặp anh vì sức ép của đám bạn. Gặp rồi nhưng cô lại bày trò, mục đích để anh bẽ mặt mà bỏ cuộc. Buổi ăn trưa tuần nào đi cùng anh, Hà đều gọi một đám bạn lâu la đến để ăn uống, rồi đi hát hò... Không những Sơn không bỏ cuộc mà anh còn đi lại nhiều hơn. Những khoản tiền chi trả cho các cuộc vui, anh đều thanh toán đầy đủ với tâm trạng vô tư và thoải mái. Nhờ những cuộc gặp gỡ mà phần nào Hà phát hiện ra bao nhiêu đức tính tốt đẹp ở anh chàng này.
Mưa dầm thấm lâu, Hà bắt đầu có cảm tình, rồi nhận lời yêu Sơn. Bao nhiêu câu chuyện tốt đẹp các bạn trong phòng Hà bàn luận, đều có Sơn trong đó. Nhiều lúc Hà vẫn lặp lại “bài cũ”, giận hờn vu vơ để được chiều chuộng. Sơn luôn là người chủ động để Hà thấy ấm lòng. Những bông hoa thơm ngát, những chiếc váy xinh xắn kèm theo lời yêu thương, mọi sự giận hờn của đều Hà tan biến. Điều đó, càng làm cô cảm thấy tự hào về anh chàng người yêu ga lăng, phóng khoáng mà tài hoa.
Hà ra trường, có việc làm. Họ cưới nhau trong niềm vui rạng ngời của gia đình và bạn bè. Một câu chuyện tình yêu có cái kết thật đẹp.
***
          Ngày đầu tiên về làm vợ, Hà được Sơn tặng cho một món quà. Đã nhiều lần nhận quà nhưng cô vẫn cảm thấy ấm áp bởi sự quan tâm đó. Cô nhẹ nhàng mở quà được gói gém rất cẩn thận. Một quyển vở sạch sẽ, trang đầu ghi “Gửi tặng người vợ yêu quý”.
Ôm cô vào lòng Sơn nói:
          - Anh nghèo lắm, em có chịu khổ được không ?
          - Em chịu hết, miễn là anh yêu em.
          Sơn chậm rãi:
          - Quyển vở anh đã ghi đầy đủ, chi tiết những lần đi chơi cùng anh, em mời các bạn đi ăn uống, hát hò, những món quà anh tặng em mỗi khi em hờn dỗi. Bây giờ anh đang nợ người ta nhiều lắm, vợ chồng mình cùng nhau trả nợ em nhé !
          Lật từng trang vở, Hà nấc lên những tiếng nghẹn ngào ...

Truyện vui: Tôi cũng thích con gái ...!




Ở phố nọ, có anh chàng Núi đẹp trai, học giỏi và nghề nghiệp ổn định. Núi còn là một người sống tiết kiệm, giản dị, một phẩm chất tiêu biểu trong thời kỳ kinh tế đang khó khăn.
Hàng tháng, nhận lương về Núi đều mang tiền gửi tài khoản, nếu cảm thấy đủ là Núi đem mua vàng, mẹ hỏi thì Núi bảo dành tiền lấy vợ. Mẹ Núi hài lòng lắm. Câu chuyện Núi tiết kiệm lương mua vàng để lấy vợ râm ran khắp thành phố. Nhiều cô gái thần tượng Núi, coi Núi là một người đàn ông lý tưởng của đời mình, nếu được sở hữu chắc chắn họ sẽ có một cuộc sống đầy đủ và sung túc.
Núi đã đến tuổi lấy vợ nhưng mãi vẫn chưa thấy dẫn bạn gái về nhà. Mẹ hỏi lúc nào Núi cũng trả lời: “Con gái theo con có mà đầy, con chưa thích thôi”
10 năm đi bộ đội về, Thủy thấy thằng bạn mình vẫn phòng không. Bạn thân của mình lại đẹp trai mà chưa có mối tình vắt vai, Thủy mới sinh nghi. Chỉ huy một đơn vị Thủy đã từng thấy hiện tượng chiến sĩ của mình có biểu hiện “ái nam, ái nữ”, điều này nói ra sớm thì có thể khắc phục tâm lý dần dần, để lâu thì thật là nguy...
Một hôm, Thủy mời Núi đi uống cà phê. Đến quán đã có hai cô bạn của Thủy ngồi đợi từ bao giờ. Hai cô bạn xinh đẹp, ăn nói có duyên làm cuộc nói chuyện rôm rả. Thủy giả bộ nghe điện thoại thì vẫn thấy Núi say sưa nói chuyện với hai bạn...
Trên đường về, Thủy thắc mắc:
- Ông “chém gió” cũng tốt đấy, thế mà sao chưa có bạn gái ?
          Trầm ngâm hồi lâu, Núi thở dài:
- Thú thực với ông, tôi cũng thích con gái lắm chứ, nhưng tán gái tốn kém quá, mỗi lần đi uống cà phê lại mất cả mớ tiền.

Mong manh nghề gốm Hương Canh


Thương hiệu gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nổi tiếng cả nước từ nhiều năm, sản phẩm này đã xuất khẩu một số nước trên thế giới, được tặng bằng khen “Hình ảnh Apec và di sản văn hóa Việt Nam” năm 2006. Vậy mà giờ đây toàn thị trấn Hương Canh chỉ còn một nơi duy nhất là thôn Lò Cang làm gốm. Người làm gốm đếm trên đầu ngón tay, 204 hộ dân với 825 nhân khẩu còn 4 hộ gia đình theo nghề.
“Không biết làm gì mới cho làm gốm”
Bà Bùi Thị Nụ một thợ gốm lâu năm ở Hương Canh, chua chát nói với chúng tôi về anh con trai hơn 40 tuổi của mình như vậy. Bà cho hay, trước kia con trai bà làm công nhân kỹ thuật ở các khu công nghiệp, nay sức khỏe giảm sút, về nhà bà truyền lại nghề gốm.
Bà cũng biết làm gốm từ hồi còn trẻ nhưng từ hồi địa phương kêu gọi, vận động hỗ trợ mới trở lại làm nghề được hơn 5 năm, thu nhập không cao song cũng đủ chi tiêu. Sản phẩm nhà bà Nụ sản xuất chủ yếu vẫn là tiểu sành, chum vại, bình đựng rượu, ngoài ra các vật dụng khác không nhiều vì khó cạnh tranh trên thị trường.
Chúng tôi được tiếp xúc khá nhiều người đã từng làm gốm nhưng nay chuyển sang bán nước, làm công nhân khu công nghiệp... Được nghe những câu chuyện “bi hài” về một nơi sản xuất gốm nổi tiếng đang có nguy cơ chìm vào lịch sử. Theo suy nghĩ của nhiều người dân, cái tên làng gốm Hương Canh bây giờ không còn nguyên vẹn của một làng nghề nữa, có chăng chỉ là thương hiệu đã được lưu truyền từ hơn 300 năm nay.
Một nghệ nhân tâm huyết giữ nghề
Được mọi người giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thanh, người có tuổi nghề lâu nhất trong thôn. Gặp ông với dáng vẻ mệt mỏi, tay run rẩy, cử động chậm chạp, người gầy gò hơn những tấm hình mà ông đã từng tham gia ở các hội thi làng nghề một, hai năm về trước.
Bà Giang Thị Nhạn, vợ ông Thanh buồn bã: “Ông bị tai biến cách đây hai tháng, không biết sức khỏe sẽ tiến triển như thế nào, chỉ mong ông khỏe lại, chứ để tiếp tục làm nghề thì chẳng nghĩ đến nữa”.
Giọng mệt mỏi, ông Thanh vẫn cố gắng nói hết niềm đam mê được làm gốm từ nhỏ, suy tư, trăn trở với thực tế hiện nay. Ông còn nói cô con gái tìm bằng được những hình ảnh ông tham gia và được tôn vinh tại Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương năm 2010 cho chúng tôi xem.
Trong số 4 hộ gia đình thì nhà ông Thanh có người theo nghề gốm đông nhất. Ông Thanh đã từng bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu học thêm nghề gốm ở các nơi khác trong cả nước, kết hợp với những thế mạnh vốn có của làng nghề mình mà cải tiến sản phẩm.
Từ sản xuất các vật dung gia đình đơn giản, gia đình ông đã làm ra nhiều loại sản phẩm gốm dùng cho sinh hoạt hàng ngày, rồi phục vụ cho trang trí nội thất, làm hàng mĩ nghệ... sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước, bỏ mối ở nhiều nơi. Chính vì vậy mà bao năm qua gia đình ông đã sống được bằng chính nghề gốm “gia truyền”
Quyết tâm gìn giữ nghề cha ông để lại, ông Thanh đã động viên các con theo nghề. Ông có bốn người con, hai trai, hai gái thì cả bốn người đều làm gốm. Song hai cô con gái chỉ những dịp cuối năm hàng đặt nhiều, mới tranh thủ về giúp thêm với gia đình, thời gian chính là làm việc khác bên gia đình chồng.
Anh con trai Nguyễn Hồng Quang đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, nay về vận dụng những kiến thức đã học để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Quang là một trong những thợ trẻ được tặng nhiều danh hiệu ở các hội thi thợ gốm trong nước.
Gia đình ông cũng là gia đình duy nhất có hệ thống nung gốm bằng ga, nên sản xuất được nhiều, độ đều, độ bền tốt và sản phẩm bán chạy hơn. Theo bà Nhạn, để đầu tư hệ thống nung bằng ga phải mất rất nhiều tiền nhưng khi khai thác lợi ích mang lại nhiều và ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Loay hoay tìm hướng đi
Với góc độ cá nhân gia đình ông Thanh hay gia đình bà Nụ, bà Vụ, đã cố gắng góp một phần nhỏ công sức vào khôi phục nghề gốm là vậy. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy cả một thương hiệu gốm Hương Canh cần phải có sự vào cuộc, quan tâm của chính quyền địa phương, bởi giờ đây như bản thân ông Thanh sức khỏe trở lại đã khó, chứ chưa nói gì đến làm việc, còn bà Nụ năm nay đã 75 tuổi.
Ông Nguyễn Đức Hợi, phó chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh cho biết: “Địa phương rất mong muốn phát triển nghề, nhưng thực tế bây giờ không cho phép, khi các khu công nghiệp ngày càng mở rộng, thanh niên đến tuổi trưởng thành phần đông đi làm công nhân có thu nhập cao hơn. Chúng tôi chỉ cố gắng gìn giữ để nó không mất đi, đó cũng là một điều đáng mừng”.
Từ năm 2000 đã có một tổ chức phi chính phủ đầu tư để phát triển, khôi phục lại làng gốm, song nhiều hộ gia đình không mặn mà với hướng đi này. Gốm Hương Canh rất khó cạnh tranh trên thị trường về giá bán, kiểu dáng, nếu nhiều loại sản phẩm ở chợ thị trấn khác nhau thì chắc chắn không phải hết là gốm Hương Canh, một số người biết về chất lượng sản phẩm thì họ mới biết cách chọn lựa và ưu tiên sử dụng mặt hàng này, ông Hợi giải thích thêm.
Tại chợ trung tâm của thị trấn Hương Canh, gốm được bày bán la liệt đủ mẫu mã, kiểu dáng. Nhưng thực tế cho thấy tận dụng mặt bằng, nhiều cửa hàng đã bán gốm Hương Canh xen lẫn với các loại khác.
Một số khách hàng khách quan nhìn nhận, riêng về mẫu mã, kiểu cách, giá thành của gốm Hương Canh không bằng được các loại gốm khác, xong chất liệu độ bền thì chính là ưu điểm nổi trội.
Một chủ cửa hàng gốm tại thị trấn nhận xét, nếu như để trà vào trong lọ gốm thì trà không bao giờ mốc mà giữ nguyên mùi thơm. Rượu để trong chĩnh gốm thì không bị thấm, không bay mùi hay giảm nồng độ...
Tìm hiểu thêm, tôi được thợ gốm Nguyễn Giang Anh hướng dẫn chi tiết cho cách phân biệt gốm Hương Canh và các loại gốm nơi khác. Để nhận biết, người mua quan sát sản phẩm thấy màu sắc trong ngoài như nhau, khi gõ vào cùng một sản phẩm nhưng gốm Hương Canh có tiếng thanh và vang hơn. Sở dĩ có điều đó vì đặc trưng chất liệu đất sét không pha cát và gốm Hương Canh không dùng đến chất tạo men.
Rõ ràng, để gìn giữ nghề gốm Hương Canh, điều cần thiết lúc này không phải mở rộng làng nghề mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm gốm về mẫu mã, kiểu dáng, cũng như cải tiến công nghệ để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời cần sự quan tâm của chính quyền địa phương định hướng phát triển làng nghề có quy hoạch cụ thể, có chính sách trợ giúp khó khăn, tạo điều kiện về mặt bằng, nơi sản xuất, có như vậy nghề gốm Hương Canh mới có thể phát huy và gìn giữ được lâu bền.
Chia tay làng gốm Hương Canh, tôi vẫn nhớ mãi giọng nói thều thào mà đầy trăn trở của ông Nguyễn Thanh: “Hơn 40 năm làm gốm, tôi chẳng mong được gọi mình là nghệ nhân, chỉ mong sao nhà nước có sự quan tâm để gốm Hương Canh vẫn còn đất sống”.