Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

LAN MAN NHỮNG SUY TƯ

Bài của Vũ Duy
                 Hà Nội hôm nay lại trở lạnh, những cơn gió yếu ớt của ngày đông còn xót lại nhưng cũng làm tê tái tâm hồn.  Mấy ngày nay mình chẳng muốn viết gì cả, định viết rồi lại thôi. Có chị báo Phụ Nữ đặt bài viết mà lại bị phê bình bài nhạt nhẽo, chưa thuyết phục được bản thân chị nên khó để độc giả đón nhận. Chị nói như vậy mình còn cảm thấy nhẹ nhàng lắm, đọc lại mình thấy còn tệ hại hơn nhưng vẫn nhớ cảm ơn chị nhiều, điều đó làm mình tốt hơn.
           Có lẽ mình còn gượng gạo, tình cảm tâm trạng chưa thực sự thoải mái. Mọi thứ không có gì là dễ dàng cả.
              Mới đầu tối xem tivi lại buồn... Mình chỉ là một cá nhân bé nhỏ của xã hội mà sao thấy bức xúc, đắng cay, mâu thuẫn xã hội đều xót xa bực bội. Đã thử nhiều lần không cần quan tâm, cứ sống ta là ta, đừng nghĩ đến họ nhưng không thể chịu được. Bản tính vốn có là như thế. Trái ngang, bức xúc đều ý kiến, tranh luận...
            Không phải mang trên người hai chữ đảng viên là anh có quyền, hãy nên nhớ đảng viên luôn là những công bộc của nhân dân, của xã hội mà sao người ta cứ đè đầu cưỡi cổ nhau. Vì quyền lợi, chính xác là vì lợi ích cá nhân đã sinh ra nhiều thứ tiêu cực. Tâm lý sinh viên về tỉnh lẻ xin việc đều có chung suy nghĩ bao nhiêu tiền, bao nhiêu triệu để được vào nơi nào đó làm việc, đi đâu người ta cũng nói phải nhớ mang phong bì mới đạt được mục đích. Đến ngay cả học sinh mẫu giáo mà cũng bị nhuốm màu tiêu cực. Thử hỏi có ai không biết tất cả những điều này.
            Tôi biết, các bạn biết và xã hội đều biết, nhưng tại sao năm này, năm khác, hay năm nữa đều không ai chịu nói ra, không ại chịu thừa nhận sức mình có như thế này mình chỉ được hưởng quyền lợi như thế này, để khỏi phải đau đầu, khỏi phải khó khăn, khỏi phải tranh đấu với nhau. Thế cho nên mới sinh ra một xã hội những con người quen nói dối nhau để đạt được mục đích và sâu xa không biết rằng điều này sẽ làm lụi bại con cháu của chúng ta...
            Chỉ vài dòng blog để lan man những tâm sự và trải lòng. Mong muốn ngày ngày xã hội đều phải tốt lên và con người cũng nên quay về sự chân thành

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Chẳng lẽ quan chức nhà mình đều không biết ?

                       Bài của VŨ DUY
                        Ngày nào mở máy tính lướt web cũng có những nỗi bức xúc khó tả. Mình thương cảm cho những con người đang cố gắng không quan tâm đến thời đại để làm việc và tồn tại.
                        Hết vinashine rồi lại đến Tập đoàn Sông Đà có món nợ khó trả. Ngay cả tập đoàn Viettel hùng mạnh như truyền thông vẫn ca ngợi mà lại đi lách luật để trốn thuế hơn nghìn tỉ đồng. Thử hỏi như thế thì ai có thể tin tưởng những tập đoàn kinh tế vực dậy được nền kinh tế của đất nước vốn đã yếu ớt bởi nền tham nhũng tràn lan và sự quản lý yếu kém của nền hành chính công.
                       Truyền hình vừa thông báo, lại có quy định phạt người đội mũ bảo hiểm "dỏm", tại sao vậy nhỉ? Phải nhìn nhận mà phân tích nguyên nhân xem mũ bảo hiểm "dỏm" xuất phát từ đâu ? Rõ ràng phải cần ít nhất hai yếu tố là người sản xuất và người tiêu dùng. Thế mà chỉ phạt người tiêu dùng, còn người sản xuất ? Có phải sợ động chạm đến lợi ích, đặc quyền của một nhóm người nào đó không ? Mới có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm được hơn 5 năm vậy mà đành bế tắc đến phát chán nản, để ai tin vào ai ?
                       Tuy nhiên, trong sự tối tăm đó vẫn thấy một thứ ánh sáng được lan tỏa. Chính quyền Đà Nẵng đã có một biện pháp mạnh mẽ nhằm chấm dứt nạn hối lộ, đó là đuổi khỏi ngành nếu bất cứ công an nào làm nhiệm vụ và nhận hối lộ ... (Đọc bài này: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/483141/Da-Nang-CSGT-nhan-chung-chi-la-%E2%80%9Cve-vuon%E2%80%9D.html )
                       Và hình như đến bây giờ chưa địa phương nào dám mạnh tay như Đà Nẵng ? Tôi chắc chắn rằng nhiều người, nhiều nơi biết điều này xong vì "lợi ích cá nhân" nó đã nuốt hết mọi thứ tình cảm lý trí và sự liêm xỉ....
                       Tôi đã từng đến Đà Nẵng đã từng chứng kiến một cách rất khách quan những gì thấy được trong một ngày (Đọc bài này: http://www.baogialai.com.vn/channel/1763/201107/Mot-ngay-o-da-Nang-2080686/ )
                       Tôi chỉ tin vào sự tiến bộ, đó là suy nghĩ tiến bộ của những người tiến bộ. Hãy bắt đầu một ngày bằng một việc làm ý nghĩa.

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

SỨC SỐNG CỦA BỆNH XÁ MANG TÊN ĐẶNG THÙY TRÂM

Bài của VŨ DUY

Những trang viết có số phận kì lạ của một nữ liệt sĩ 27 tuổi Đặng Thùy Trâm vẫn cứ in đậm trong tâm trí tôi kể từ ngày rời mái trường đại học nhận cương vị công tác mới. Thầm nghĩ sẽ có một ngày về nơi đã chứng kiến bao viễn cảnh đau thương của chiến tranh song vẫn bừng lên tinh thần thép của người cộng sản, nơi viết lên "cổ tích Đặng Thùy Trâm" bằng chính những người phụ nữ Việt Nam anh hùng.
ĐỨC PHỔ HÔM NAY
Đã không còn những vết tích chiến tranh, không còn những hình ảnh tiêu điều của vùng đất in hằn dấu tích bom đạn, những ngôi nhà hoang sơ, rách nát, giờ đây đã thay đổi bằng khuôn mặt khởi sắc. Dọc hai bên quốc lộ 1 trên địa phận Đức Phổ là những ngôi nhà ngói mới san sát, những ruộng mía dài hun hút, cánh đồng lúa bát ngát một màu xanh của sự sung túc. Có thể cảm nhận sự thay đổi qua nét mặt trẻ thơ, thanh niên chị em phụ nữ, những cụ già đã đi qua hai cuộc chiến tranh. Duy chỉ có tình cảm con người là nguyên vẹn. Vẫn "vẫn đôi mắt long lanh", "nụ cười thân thiện", vẫn "tình yêu thương đã chắp cánh dài cho ta". Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi được đón tiếp bằng tình cảm ân tình. "Vui biết bao khi những người trên mảnh đất Đức Phổ coi mình như người cùng quê họ, chung với họ cả niềm vui cả niềm tự hào của mảnh đất anh hùng ấy", như chị Trâm đã viết. Đồng chí chủ tịch UBND huyện Lê Văn Mùi hân hoan với chúng tôi: "Quê hương tôi luôn chào đón các bạn, có dịp về Đức Phổ là các bạn như về chính ngôi nhà của mình". Và những tình cảm thiêng liêng cao đẹp đã vun đắp cho một công trình được mang tên Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. 
Tượng đài trước cổng bệnh xá
NƠI NGỌN LỬA VẪN RỰC CHÁY
         Ấn tượng khi đặt chân đến bệnh xá là tượng đài anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  dựng ngay trong khuôn viên bệnh xá, được chế tác từ khối đá garanit xám cao ba mét, nặng sáu tấn. Bức tượng đã thể hiện rõ về một cán bộ y tế trong chiến tranh qua cách ăn mặc giản dị, duyên dáng với chiếc nón lá trên đầu, dũng cảm vượt khó qua bước đi với đôi dép cao su như bao con người khác thời kì ấy. Điểm nhấn và cũng là chi tiết quan trọng nhất toát lên chí khí, nghị lực nghề nghiệp chính là chiếc túi ngành y chị đeo bên mình, chi tiết khiến chúng ta khi nhìn thấy đều xúc động lien tưởng đến những gì chị đã "tâm sự với chính mình" về vùng đất lửa Đức Phổ. Xung quanh bệnh xá những cây cau đang hiên ngang với một sức sống kì diệu ở vùng đất miền Trung đầy nắng gió. Điều đặc biệt mà người xem dễ dàng nhận thấy kiểu kiến trúc của bệnh xá, một bên là lịch sử (phòng trưng bày các hiện vật), một bên là hiện tại (các phòng điều trị bệnh nhân). Không gian trưng bày được bố trí bài bản với các hình ảnh về bác sĩ Trâm, những câu nói bất tử, những hoạt động của các lãnh đạo trung ương, địa phương với phong trào "Mãi mãi tuổi hai mươi", quyên góp xây dựng bệnh xá, giúp người nghèo chữa bệnh…
         Từng hình ảnh đều đi vào tâm trí người xem nhẹ nhàng như những dòng nhật kí thân yêu. Lúc thắp nén hương, dường như ai cũng cảm thấy thật nhỏ bé trước chị. Nét nghiêng dòng chữ thư pháp ghi "Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu, con cũng một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc, ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu, con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc". Chiến tranh là khốc liệt, thương đau nhưng những con người anh dũng vẫn xả than cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Tượng bán thân liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
          Cạnh phòng trưng bày các bác sĩ, y tá đang miệt mài làm việc, vẫn lời nói cử chỉ ân cần như người mẹ hiền, người bạn tâm giao …Những  đồng đội của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hôm nay vẫn "bền gan"  với gian khó phía trước, trăn trở cho những căn bệnh, nỗi đau của bệnh nhân mà từ đó tìm ra những phương thuốc, cách thức chữa trị hiệu quả để giành lại sức khỏe sự sống cho mọi người. Họ tự hào không chỉ mang trên mình hai từ "Thầy thuốc" mà còn tự hào khi làm việc dưới một mái nhà có người đồng đội, người bạn lớn của họ đang dõi theo từng bước đi, từng việc làm vì sự hạnh phúc của đồng loại.
          Những người viếng thăm bệnh xá đều có chung một cảm nhận về sự hi hi sinh cao cả của cả dân tộc và những cá nhân như chị Trâm. Anh Nguyễn Trung Hiếu một khách tham quan quê ở Đan Phượng (Hà Tây) bày tỏ: "Từ khi cuốn nhật kí ra đời, đọc rồi ngẫm nghĩ, tôi không ngờ rằng đằng sau sự mềm mại, yếu đuối của một người con gái lại bừng lên ngọn lửa đấu tranh mạnh mẽ đến như vậy. Về bệnh xá hôm nay lại có cảm giác như ta đang sống trong từng trang viết của chị.
Toàn cảnh bệnh xá
           Bệnh xá Đặng Thùy Trâm khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 20.12.2006 tại xã Phổ Cường huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi với số tiền lên đến 7 tỉ đồng để xây dựng bệnh xá, mà chỉ thông qua sự quyên góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Điều đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của mỗi con người Việt Nam mà còn là lòng ngưỡng mộ sâu sắc với tấm gương anh dũng bất diệt của nữ liệt sĩ anh hùng. Công trình này đã và đang tác động tích cực đến nhiều mặt xã hội thu hút đông đảo người hành hương về vùng đất lịch sử để chiêm ngưỡng và học tập tấm gương của chị cũng như bao liệt sĩ, anh hùng đã hi sinh trên mảnh đất này. Bệnh xá như một niềm khát vọng, một ngọn lửa vẫn đang rực cháy trong tim ngời dân xứ Quảng, đang là món quà tinh thần vô giá góp phần tích cực trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước xả thân cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
                                                  Trà đá - Cà phê

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Giao thông Hà Nội trong mắt tôi


Bài của Vũ Duy
Nếu ai đã tham gia giao thông trong nội đô thành phố Hà nội sẽ có những giây phút hồi hộp, lo lắng không thể nào quên. Tôi viết ra những điều này không có ý chê bai người Hà Nội bởi vì điều kiện khách quan hạ tầng cơ sở, mật độ dân cư đông đúc ảnh hưởng khá lớn đến sự hình thành thói quen tham gia giao thông.
"Xẹt ... rầm ... Đi đứng như thế à, có mù mắt không đấy ?" Hai anh thanh niên đi xe gắn máy mắng xa xả, đổ lỗi cho nhau vì ai cũng khẳng định mình đúng quy định. Đây là những chuyện thường thấy khi tham gia giao thông trên các tuyến nội đô của thành phố Hà Nội. Quả thật không có gì lạ khi một vài người nước ngoài nhận xét, người điều khiển phương tiện giao thông ở Hà Nội như những diễn viên xiếc thực thụ.
Tôi ở Gia Lai, ra Hà Nội học tập bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Phải nói  rằng "Trăm nghe không bằng một thấy", cuộc sống của một thành phố năng động, hối hả nhưng cũng có nét thâm trầm, suy tư khi dạo trên phố cổ hay lang thang quanh Hồ Gươm. Song mỗi lần ra đường hòa mình vào dòng người tấp nập của Thủ đô tôi lại nơm nớp một điều "Lo sợ !".
Đi xe gắn máy trên vỉa hè
Tôi sợ bởi "cái giao thông" rất "tự nhiên" của người thành phố mà tử thần có thể hỏi thăm bất cứ lúc nào. Cắt ngang đường, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, va chạm nhau... chuyện xảy ra như cơm bữa. Tắc đường ư, điều đó là không thể tránh khỏi bởi không gian nội đô nhỏ hẹp mà dân cư đông đúc. Không đội mũ bảo hiểm ư, chuyện chỉ phản ánh nhiều ở nông thôn, miền núi thế mà Hà Nội cũng không kém và nhất là những chiếc xe máy đắt tiền, một số người ngồi trên xe ra vẻ ngơ ngác nếu gặp cảnh sát giao thông hỏi thăm. Còn chuyện ở ngã ba ngã tư, tín hiệu còn gần 10 giây mới chuyển sang đèn xanh thì người dân đã ngang nhiên đi xe qua đường, nếu xe trước không đi chắc chắn sẽ bị xe sau nhắc nhở bằng tín hiệu còi inh ỏi hoặc những lời lẽ thô tục.
Và thật lạ trong luật giao thông đã quy định các phương tiện phải tuân thủ các tín hiệu, biển báo nhưng khi gặp một quãng đường đông đúc, giải pháp tối ưu của các xe máy là leo lên vỉa hè thẳng tiến chiếm luôn phần dành cho người đi bộ. Ban đầu nhìn những cảnh tượng đó, tôi rất ngán ngẩm, nhưng mãi cũng thành quen. Rồi những chuyện đi xe phạm luật giao thông, giả danh nhà báo, con ông này, quen bà nọ để dọa cảnh sát hầu như tháng nào cũng thấy trên báo chí phản ánh. Chỉ thương cho mấy anh công an, đứng mũi chịu sào, lăn lộn hết mình vì lợi ích của nhân dân mà thỉnh thoảng vẫn bị lăng mạ bởi những kẻ vô ý thức, thậm chí còn hành hung các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ. Và mới đây thôi, tổ cảnh sát 141 của công an Hà Nội do Trung tá Nguyễn Đức Chung làm tổ trưởng đứng chốt ở ngã tư Trường Chinh – Giải Phóng xử lý các trường hợp vi phạm. Phát hiện thấy thanh niên đi xe máy PCX có dấu hiệu vi phạm luật giao thông và bỏ chạy, trung tá Chung bố trí hơn chục cảnh sát cơ động, giao thông và hình sự để chặn, thanh niên này đã phóng thẳng xe tông vào Trung tá Chung khiến ông bất tỉnh, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Vượt đèn đỏ
Hiếm quốc gia nào trên thế giới mà giao thông lại được nâng lên tầm văn hóa như ở nước ta, bởi đã tham gia giao thông đương nhiên phải chấp hành luật giao thông, nếu xảy ra vi phạm căn cứ luật giao thông để xử lý các bên vi phạm mức độ nào. Còn ở Hà Nội phải cần thiết như thế để kêu gọi ý thức tự giác của mỗi người dân. Hình như đề tài này là câu chuyện muôn thuở dành cho giới truyền thông phân tích, bình luận. Chính quyền thành phố cũng đã có hàng trăm biện pháp, hàng ngàn văn bản để "cấp cứu cho giao thông nội đô" nhưng sự chuyển biến đó thật chậm chạp. Ở một đất nước đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, không chiến tranh mà một ngày vẫn có một "trung đội" thiệt mạng trên cả nước bởi tai nạn giao thông và Hà Nội góp phần không nhỏ vào những con số này.
Tôi xin cam đoan rằng nếu bạn là người Hà Nội, bạn vào các thành phố lớn hay những thành phố nhỏ trong cả nước, cũng có tắc đường, cũng có va chạm, xô xát nhưng chắc chắn một điều việc chấp hành luật giao thông văn minh hơn Hà Nội rất nhiều. Tôi viết ra những điều này không có ý chê bai người Hà Nội bởi vì điều kiện khách quan hạ tầng cơ sở, mật độ dân cư đông đúc ảnh hưởng khá lớn đến sự hình thành thói quen tham gia giao thông. Nhưng xét về một góc độ nào đó ý thức chấp hành luật lệ giao thông rõ ràng cần nhiều sự nghiêm túc điều chỉnh, hiểu biết từ mỗi cá nhân người đi đường. Muốn khắc phục những tồn tại yếu kém của giao thông Hà Nội không phải một sớm một chiều của các cơ quan nhà nước mà cần sự đồng tình từ nhiều phía mà nhất là người dân đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất Thủ đô. Đồng thời cũng mong rằng năm 2012 thực sự là "Năm an toàn giao thông" đúng như mục tiêu đã đặt ra chủ yếu của năm là giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông mà tiên phong phải là hai thành phố lớn của cả nước Hà Nội và Hồ Chí Minh.
                                         Trà đá - Cà phê

ƠI ANH TRỢ LÝ ?


 Bài của Vũ Duy
Cán bộ vất vả trăm bề
Thế mà trợ lý nhiêu khê lắm điều
Anh làm việc, thật quan liêu,
Ít kiểm tra dưới, lại liều nói hay.
Đoán tháng trước, như tháng này,
Nhận xét thoải mái, tưởng may, đúng rồi.
Phê bình đơn vị lôi thôi,
Nhưng anh có vượt... cái tôi chính mình ?
Ngại mất lòng, đành làm thinh ...!
                  Trà đá – Cà phê

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Ấm lòng cà đắng

Bài của Vũ Duy
Tôi quen chị đã lâu, nghe kể chuyện về phố núi quê tôi mà mê lắm, chị mong một ngày nào được đặt chân đến đó. Không biết ai mách nước mà chị cứ gạn hỏi và bắt bằng được tôi lần này về quê nhớ mang cho chị mấy cân cà đắng, thứ đặc sản chỉ có vùng nắng gió đất đỏ Tây Nguyên mới có vị nguyên chất của nó.
       Bao giờ cũng vậy, bữa cơm đầu tiên khi đi xa về, bên cạnh những món ăn thịnh soạn mẹ đều có món cà đắng dành riêng cho mình tôi. Hình như mẹ hiểu được cảm giác nỗi nhớ của tôi dành cho gia đình nhiều lắm. Gắp miếng cà đắng chấm muối ớt giã với lá é mà ấm lòng đến lạ. Những ký ức năm tháng của tuổi thơ cứ dần hiện về trong tôi.
       Trước mặt cửa nhà bạt ngàn là cây cỏ, rau dại. Cơ quan bố tôi cấp một bên đất cho các hộ gia đình để làm nhà, còn bên kia đường đất cấp không mà chẳng ai buồn lấy. Nhà tôi nghèo lắm, tôi nhớ tài sản quý giá nhất lúc bấy giờ là chiếc xe đạp Thống Nhất mà lần đi công tác bố mua được. Những bữa cơm có thịt có cá thật là hiếm hoi vì thế rau khoai, rau dền dại, cà đắng luôn là những món ăn thường trực của bữa ăn. Anh trai tôi thường dành ăn cà đắng nhiều hơn để phần các món ăn khác cho các em. Tôi thường lén mẹ hái bừa bãi những quả cà đắng ném nhau hay búng bi với mấy đứa trẻ trong xóm, vừa để không phải ăn nó đến mỗi bữa cơm vì vị chát và thật đắng. Mà cũng lạ, cây cà đắng chẳng cần phải chăm sóc, trong cái nắng cái gió, mưa dài ngày mà vẫn đều đều cho quả, những trái cà đắng dại to hơn đầu ngón chân cái, có màu xanh nõn với đốm trắng. Lúc già chúng ngả sang màu vàng mà mỗi khi chúng tôi ném vào nhau thì đau phải biết, có lẽ do vỏ của chúng rất dày.
Những ngày tháng gian khó của gia đình rồi cũng đi qua, hàng xóm láng giềng ngày một đông đúc hơn. Đến khi tôi biết đến vị ngon của cà đắng thì cũng là lúc chúng mất dần cho khu phố mới thành lập, song mẹ vẫn dành một khoảnh đất để trồng nó. Tôi nghiện nó, cứ mỗi lần ăn với cơm tôi lại cho cả nhà phát sợ vì ăn đến quá nhiều. Công thức chế biến thật đơn giản nhưng nếu không để ý có lẽ tôi chẳng bao giờ nấu ngon như mẹ. Cà đắng non nấu ngon nhất với các nội tạng của bò như lòng, sách bò... Khi làm quả cà bổ làm đôi ngâm với nước muối, lòng bò ướp gia vị cho một ít dầu ăn om lên cho săn thịt rồi đổ nước cùng với cà đã ngâm đun đến nhừ và không quên cho các loại rau gia vị, xả, gừng, nước nghệ tươi, rau thơm, tía tô, mùi tàu, lá lốt, hành lá, húng quế và ớt tươi. Món cà đắng nấu ra phải đảm bảo sền sệt, có vị cay nồng và vị đắng đặc trưng gần như ăn sống. Có thể dùng với cơm hoặc làm món để uống rượu. Tôi nhớ nhất những ngày mùa mưa cà đắng dùng với cơm thì thì thật tuyệt vời. Vị đắng của cà quyện lẫn lòng bò cay nồng làm cho ta có cảm giấc ấm nóng khi dùng đến nó.
Tuy nhiên, theo cách nấu của một cô giáo người Ja Rai dạy cùng trường mà mẹ tôi học được là nấu cà đắng với các loại cá. Sau khi luộc cá, đem vào cối giã nát. Cà luộc chắt nước để bớt vị chát, vớt ra xào cùng với cá rồi đổ nước đun sền sệt kết hợp cho các loại rau thơm, ớt và lá é là hai gia vị chủ đạo. Từ vị đắng đậm đà mà cà đắng không chỉ là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là món ăn quen thuộc của người dân ở Tây Nguyên. Bạn bè có dịp lên Pleiku đều được tôi đãi món đặc sản này. Mới đầu ai cũng cảm thấy đắng đến khó chịu nhưng qua vài lần cố gắng đều thưởng thức một cách ngon lành. Cà đắng ăn sống chấm mắm hay xào với lòng bò đều được bọn bạn dọn sạch sẽ.
Cứ miên man thưởng thức và nghĩ, tôi giật mình bởi tin nhắn điện thoại của chị: "Hôm nay ăn cơm có cà đắng không em, nhớ mang cho chị mấy cân nhé". Tôi mỉm cười chia sẻ câu chuyện với cả nhà. Mẹ tôi vui lắm, chỉ bảo cặn kẽ thêm những bí quyết để nấu được ngon hơn. Tôi thầm nghĩ mưa rét Hà Nội mùa này mà chị được dùng cơm với cà đắng chắc sẽ nhớ đến quê tôi nhiều lắm, nhất định tôi sẽ nấu cho chị và bạn bè ngoài đấy thưởng thức.
                                   Trà đá - Cà phê

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

NỬA ĐỒNG ... ?

Bài của Vũ Duy
Cuối năm việc nặng nhiều lần,
Đau đầu nhức óc là phần giải ngân.
Ngân sách sử dụng năm phần,
Làm sao biến hóa mười phần mới vui ...!

Nửa đồng để tặng "thầy dùi",
Nửa tặng "thầy lớn" ngậm ngùi cho qua.

Nửa đồng lo biếu lớp già,
Nguy cơ kiện cáo ta xoa được liền.
Nửa nữa cho kẻ ngoan hiền,
Ngoan ngoãn giải quyết ưu phiền lòng ta.

Ngân sách còn lại có ba ?
Thôi thì ... để lại cho ta mang về.
Năm mới sung túc, đề huề,
Vợ lớn, bồ bé hả hê tối ngày.
                    
                                    Trà đá – Cà phê

Đậu đại học được một cây vàng


Bài của Vũ Duy

Đó là phần thưởng cao nhất mà dòng họ Đinh ở xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên thưởng cho mỗi một cháu đỗ đại học năm 2010-2011. Sự quan tâm không dừng lại ở đó, gia đình ông Đinh Hữu Hồng đảm bảo nuôi ăn học đại học và sau này ra trường lo công việc làm cho các cháu trong dòng họ.

Mới đây về Khoái Châu, tôi được ông Nguyễn Phú Cường Phó phòng giáo dục cho hay về điều này. Đây không phải là điều gì đó mới mẻ nhưng để duy trì mỗi phần thưởng cao như vậy cho các cháu học sinh đã được ba năm liên tục là một sự cố gắng hiếm thấy ở một dòng họ. Dòng học Đinh còn đặt ra quy định phần thưởng cho các cháu, đỗ cao đẳng được hai mươi triệu đồng và đỗ vào THPT được một xe đạp mini kèm theo 500.000 đồng tiền sách vở. Cách gây dựng quỹ khuyến học của dòng họ Đinh cũng hết sức đơn giản, khuyến khích các mạnh thường quân trong dòng họ đầu tư tiền của cho học tập là ưu tiên hàng đầu, ngoài ra đóng góp theo nhân khẩu. Chính vì vậy, số tiền quỹ năm 2011 đạt đến 650 triệu đồng, hoạt động khuyến học được duy trì và phát triển mạnh.

Việc làm này làm cho tôi nhiều suy nghĩ, trong khi nhiều dòng họ trong cả nước đổ xô cho việc xây dựng nhà thờ họ, từ đường, tổ chức tiệc tùng linh đình để "khoe khoang", tỏ rõ lòng tôn kính, nhiều lúc gây lãng phí lớn, thì việc làm của dòng họ Đinh hết sức có ý nghĩa. Một mặt xây dựng thái độ trách nhiệm học tập của các cháu trong dòng họ, mặt khác tạo động lực rất lớn để các cháu xác định cái đích học tập sẽ bảo đảm tốt cuộc sống của mình sau này.

Chủ trương xã hội hóa học tập của Đảng và Nhà nước ta đã được nhiều gia đình, dòng họ, địa phương xác định đúng đắn. Vì muốn xây dựng một nền học tập phải có gốc rễ nhận thức từ mỗi gia đình, từ đó nhân rộng, phát triển cho toàn xã hội. Trong điều kiện kinh phí của Nhà nước chưa thể đảm bảo hết cho việc học tập thì sự đóng góp, hỗ trợ từ mỗi dòng họ, địa phương cho con em mình là một điều rất đáng ghi nhận.

Trong suy nghĩ của người dân muốn học tập, bản thân gia đình phải có tiền của mới đảm bảo cho con cái theo học được trường này, trường khác, thậm chí nhiều em phải bỏ học vì gia đình không có đủ tiền đóng học phí. Chính điều này đã làm giảm sút đáng kể nguồn lao động chất lượng cao. Cho nên, hoạt động khuyến học bất kỳ thời điểm nào đều có ý nghĩa về mặt xã hội sâu sắc.

Đồng thời, xét về mặt vật chất kinh tế, quỹ khuyến học một phần nào đó phản ánh được cuộc sống của dòng họ, địa phương đã có những bước nâng lên đáng kể. Song cũng nhận thấy nhiều gia đình đã xác định học tập cho con em là phương pháp tốt nhất để thoát nghèo. Một cách nói ví von đơn giản mà ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, để canh tác một ha ruộng lúa với máy móc hiện đại tạo ra năng suất cao, thì phải cần người có tri thức, mà muốn có tri thức thì phải học tập.

Ở Gia Lai, công tác khuyến học đã làm trong nhiều năm qua và đạt được những thành tích đáng kể song tạo dư luận về mặt xã hội thì còn rất hạn chế, nên còn không ít trường hợp các em học sinh có thành tích cao trong học tập nhưng không theo học đại học, cao đẳng... vì nhà không nuôi nổi. Thiết nghĩ, tạo quỹ khuyến học, khen thưởng kịp thời thành tích học tập bằng vật chất, đánh giá công sức học tập của các em thông qua biểu dương điển hình tiên tiến và tạo động cơ trước mắt cũng như lâu dài theo cách làm của từng dòng họ, địa phương là hành động rất đáng hoan nghênh và nhân rộng.

                     Trà đá – Cà phê

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

NÓI DÀI...

Bài của Vũ Duy
 Thủ trưởng đơn vị chúng tôi
"Mắc bệnh nói chữ" thích ngồi cà kê.
Lên lớp thì ai cũng chê,
Dài dòng văn tự, không mê điểm nào. 

Giao ban "lê thê" làm sao,
Cấp dưới ngán ngẩm, tổn hao thời giờ
Triển khai công việc lơ mơ,
Nhiệm vụ không rõ, đành chờ hỏi sau.

Cấp dưới thì thầm với nhau
  Mong mỏi thủ trưởng bớt câu dông dài ...
                                               Trà đá - Cà phê

Cuộc sống bất tận

Tản văn của Vũ Duy
Cuộc sống là những ngã rẽ bất tận, vận mệnh con người sẽ có những thay đổi hay chăng khi quyết định một sự việc lớn trong đời ?
Ta đang sống trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi xuân mà có cố gắng hàng vạn lần trong tương lai cũng không lấy lại được.
Những gì mong ước của quá khứ giờ đã trở thành hư hao, bởi mỗi phút giây nào trải nghiệp cuộc sống đều là minh chứng ước mơ tuổi thơ của ta có khi bị xóa bỏ. ..?
Có những lúc trong ta luôn nghĩ rằng sẽ chia sẻ bí mật với mọi người, nhưng trong sự tất bật của đời này cần một góc nhỏ trái tim để giữ lấy sự bình yên hạnh phúc riêng có.
Học nhiều, cảm nhận nhiều mới thấy được điều hay lẽ phải. Thế nên người ta thường nói rằng có nhận thức càng cao thì càng khó mà nhận được được hạnh phúc trọn vẹn trong một mớ hỗn độn thường ngày.
Những vốn sống điều hay ta nên dành trên đường cày tri thức của nhân loại để giúp cho ta, mọi người không đi trên bước chân đã trở nên vô nghĩa. Đôi khi trong những đêm trường, ta nhận ra rằng cuộc sống có rạn vỡ sẽ có hàn gắn, và ai chưa từng trải qua đau thương sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được và trân trọng những giây phút hạnh phúc mà mình đang có.
Cuộc sống là những sự vui buồn có lẽ.
Ai đã đi ngang qua đời ta đều có cảm nhận thấy cuộc sống này có sự công bằng, hay chỉ những phút giây xao lòng đứt đoạn.?
Lâu lắm rồi ta cũng chẳng viết thư nữa mà cũng chẳng buồn để tâm sự với ai ? Vậy đó, con người thật lạ! Có những điều ta không nói ra mọi người đều hiểu nhưng đôi khi những thứ đã phơi bày trước mắt lại dấu kín bao nỗi niềm đau nhói, khổ tâm biết nhường nào...
Ta vẫn là ta của những nụ cười rạng rỡ, của những suy nghĩ ngây thơ thưở bé muốn sống mãi cùng ta theo năm tháng đi qua.
Ôi, thực tại của cuộc sống bộn bề mà vỗ về như từng cơn sóng nhỏ, chẳng bao giờ trong tâm trí ta lại chê méo mó. Ta luôn tâm niệm rằng hãy luôn thật sự trân trọng những gì mình có ta nghe.?
                                     Trà đá - Cà phê